Mình tin chắc rằng, dù bạn có là người Quy Nhơn hay người bất kì tỉnh nào khác, đều ít ai biết đến Tháp Thầy Bói nằm uy nghiêm giữa biển Quy Nhơn. Hãy cùng mình khám phá những bí ẩn xoay quanh Tháp Thầy Bói linh thiêng, và liệu có thật sự “ ước gì được nấy” như lời đồn đại.
Nguồn gốc Tháp Thầy Bói
“Thầy Bói” là một giống chim, tên quen gọi là chim Bói Cá. Giống chim này thường tụ tập nơi gành đá, khóm đá để bắt mồi. Khóm đá có dáng tròn nho nhỏ trông như ngọn tháp, nên gọi là tháp Thầy Bói.
Phía Bắc tháp Thầy Bói, tại bờ phía Tây cửa Thị Nại, có một bãi cát rộng là Bãi Nhạn. Nơi đây, giống chim Nhạn thường tụ tập nghỉ ngơi sau khi no mồi, cánh mỏi.
Từ lâu, trên tháp có một ngôi miếu nhỏ do ngư dân lập để thờ thủy thần và tế lễ vào dịp Thanh minh, phần lớn vẫn là cầu bình an cho dân biển. Ngôi miếu hiện nay vẫn còn và đã nhiều lần tu tạo. Năm 2008, Công ty TNHH Quốc Thắng xây bên cạnh miếu cổ một ngôi tháp lục giác, hai tầng mái khá đẹp và khang trang.
Từ một ngôi miếu ban đầu, đến năm 2010, tháp Thầy Bói có 3 công trình, và trong hai năm 2010-2012 đã có thêm 5 công trình mới, nâng tổng số các công trình tín ngưỡng và tôn giáo trên tháp Thầy Bói lên đến con số 8. Mỗi công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng ở đây về kích thước, kiểu dáng, vị trí xây dựng, tín ngưỡng thần thánh nào… đều do người bỏ tiền xây dựng quyết định.
Di chuyển đến Tháp Thầy Bói
Tháp Thầy Bói nằm ở Đầm Thị Nại, Nhơn Hội, cũng là nơi có cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.
Từ trung tâm thành phố, bạn sẽ phải di chuyển đến cảng Quy Nhơn tầm 7-10 phút xe máy. Tại đó, có rất nhiều ghe, thuyền hỗ trợ việc di chuyển ra Tháp.
Và bạn sẽ mất tầm 15-20 phút để ra đến Tháp. Những bạn nào từng có triệu chứng bị say thuyền, ghe thì nên cân nhắc nhé.
Khám phá bí ẩn tâm linh về Tháp Thầy Bói
Theo lời của một người phụ nữ trung niên tên Hải cho biết, thời gian mới xây tháp, còn rất nhiều bất tiện trong việc di chuyển. Sau này khi cô Hải cùng những tấm lòng hảo tâm quyên góp và xây dựng khang trang và rộng rãi giúp cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh cũng như những nghi lễ cúng kính được thuận tiện hơn.
Theo cô Hải cho hay, chỉ cần ai có lòng, thành tâm đến cúng Mẹ (một danh xưng cô Hải thường xuyên nhắc đến – cũng mang một ý nghĩa tâm linh, được xem là vị thần), dù ít hay nhiều vật lễ vẫn không quan trọng. Quan trọng tâm tính trong sạch thì đều được Mẹ phù hộ.
Được biết, cô Hải cùng các cư dân thường tổ chức cúng kính, cầu bình an vào ngày mùng một và ngày rằm hằng tháng. Cô thường cùng các cư dân cúng đồ ăn chay và hoa, quả. Việc này đối với cô Hải không mang ý nghĩa tâm linh hay khấn vái xin xỏ điều gì cả, cô và mọi người chỉ đơn thuần muốn trông coi Tháp cũng như thể hiện lòng tôn kính với những vị thần ở đây.
Cô cũng cho hay, những lời đồn đại “ước gì được nấy” đều không có căn cứ. Mỗi người đều có vận mệnh riêng, ai sống tốt thì tự khắc cuộc sống sẽ nhận được nhiều điều may mắn và ngược lại.
Các bạn nên lưu ý, khi đến tham quan Tháp Thầy Bói. Ăn mặc lịch sự, không cười đùa quá trớn cũng như có những hành động quá kích khi tham quan nơi linh thiêng. Ngoài ra, tùy tâm mỗi bạn mà mua những đồ cúng như: nhang, bánh, trái, hoa, … Vì vốn dĩ, với lòng thành và sự tôn trọng to lớn đối với các vị thần, cư dân ở đây luôn trông coi và chăm Tháp vô cùng kĩ lưỡng và chỉnh chu.
-Bài viết: Thảo My-
Hi vọng bài viết của mình sẽ giúp chuyến du lịch của bạn thêm phần đa dạng hơn. Nếu bạn muốn biết thêm nhiều thông tin bổ ích về Quy Nhơn, follow ngay HiQuyNhon để khám phá được nhiều hơn nhé!
Bạn có thể tham khảo thêm những điều thú vị ở Quy Nhơn:
– Vẻ đẹp hùng vĩ thác K50
– Khám phá kiến trúc Chùa Nước Mặn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Hiquynhon (Không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Hiquynhon