Lại một mùa Trung thu nữa sắp đến, ai trong chúng ta cũng có một tuổi thơ vào những ngày này được thưởng thức chiếc bánh Trung thu nướng thơm phức với nhân thập cẩm, hay chiếc bánh dẻo thật đơn sơ và mộc mạc, song đậm vị quê hương.
1. Nguồn gốc Bánh Trung Thu?
Bánh Trung thu có nguồn gốc từ phương Bắc được du nhập về Việt Nam từ thời phong kiến. Có hai loại bánh trung thu là nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có hình tròn, bánh dẻo hình vuông, cả hai tượng trưng cho trời và đất.
Người ta còn gọi bánh Trung thu nướng với cái tên bánh nguyệt vì có hình tròn giống trăng vào ngày rằm. Theo tiếng Hán, chữ “tròn” (viên) của trăng gắn với cảnh quây quần, đoàn viên của gia đình, nó là biểu tượng khát vọng về hạnh phúc. Mọi người ăn bánh trung thu trong đêm hội trăng Rằm như minh chứng cho sự viên mãn, gia đình sum vầy hạnh phúc.
2. Nguyên liệu làm Bánh Trung Thu
Nguyên liệu làm bánh Trung thu cũng khá cầu kì nhưng chủ yếu là những nguyên liệu quen thuộc, gần gũi với cuộc sống thường ngày. Ngoài vỏ bánh làm từ bột mì thì nhân bánh nướng truyền thống gồm có trứng muối, hạt dưa, mứt bí, mứt hạt sen, mỡ đường, lá chanh, lạc, vừng.
Tất cả nguyên liệu kết hợp lại với nhau tạo nên mùi vị béo, thơm tuyệt vời. Còn bánh trung thu dẻo được làm từ bột nếp với nước đường thắng thơm thoang thoảng hương hoa bưởi. Nhân bánh dẻo thường là mứt bí, hạt dưa, hạt sen, vừng rang, lạp xưởng. Nước đường làm bánh thường được chuẩn bị từ nửa năm đến một năm trước nên có vị ngọt thanh.
Theo thời gian, ẩm thực Việt Nam hiện đại đã biến tấu món bánh trung thu truyền thống khác đi ít nhiều về bề ngoài lẫn hương vị bên trong. Không chỉ là hình dạng vuông hay tròn, bánh Trung Thu ngày nay còn được nặn thành hình con heo, cá chép,… Nhân bên trong cũng hiện đại hơn hẳn với hương trà xanh, chocolate, đậu xanh, hạnh nhân,… Màu sắc bên ngoài cũng bắt mắt hơn với những màu xanh, đỏ, đen,…
3. Những phần quà là Bánh Trung Thu dành tặng mọi người
Mỗi mùa Tết Trung thu đến, ngoài việc mua cặp bánh về dâng cúng ông bà tổ tiên thì người ta còn mua bánh trung thu dành tặng cấp trên hay bạn bè bằng những hộp bánh sang trọng đẹp mắt. Mỗi món quà còn kèm theo những câu chúc tốt đẹp, gửi gắm tấm chân tình dành cho người thân và người mình quý trọng.
Cho dù nhiều giá trị có trôi đi theo thời gian thì mỗi độ thu về, nhấm nháp một miếng bánh dẻo mềm, trắng muốt, thoang thoảng hương hoa bưởi, hay miếng bánh nướng ngầy ngậy, thơm mùi lá chanh, cùng chén trà nóng, bên cạnh những người thân yêu, bạn sẽ hiểu được vì sao bánh Trung thu truyền thống lại có sức sống mãnh liệt đến vậy.
4. Một vài địa điểm bán Bánh Trung Thu tại Quy Nhơn
Địa điểm bán bánh Trung thu tại Quy Nhơn:
- Quầy bánh Trung thu Kinh Đô
– Đường Phan Bội Châu, Tp Quy Nhơn
– Đường Lý Thường Kiệt, Tp Quy Nhơn
– Đường Lê Duẩn, Tp Quy Nhơn - Quầy bánh Song Long Đồng Khánh – đường Lý Thường Kiệt, Tp Quy Nhơn
- Tiệm Bánh Ngọc Nga – 319 – 323B – 325 Lê Hồng Phong, Tp Quy Nhơn
Khánh Trinh – Hiquynhon
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Hiquynhon.com (Không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Hiquynhon.com.