Mặc dù, UBND phường Ghềnh Ráng đồng ý cho người dân khai thác bạch đàn, cây rừng trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, tuy nhiên, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định đi kiểm tra và yêu cầu dừng việc chặt phá cây rừng, trồng lại rừng, trả lại cảnh quan môi trường di tích và mặt bằng để bảo vệ di tích.
Những ngày cuối tháng 9 năm 2022, có nhiều người phản ánh tình trạng một số đối tượng tự ý vào Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng để chặt phá cây rừng và vận chuyển cây rừng đi qua cổng Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, chạy ra QL1D rồi chạy về phía thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên tiêu thụ cây rừng.
Phát hiện hàng trăm gốc cây bạch đàn lớn, nhỏ đã bị đốn hạ trơ gốc, trong đó nhiều gốc cây to có đường kính từ 20 cm đến 40 cm. Các đối tượng lột vỏ cây bạch đàn vứt bữa bãi xuống gốc cây và hai bên đường đi vào khu vực núi Xuân Vân trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng.
Trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng có một con đường tiếp giáp mặt biển, nối liền từ Khu du lịch Ghềnh Ráng với Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, tuy nhiên, con đường này nhiều năm nay đã bị bít lại ở hai đầu không cho du khách và người dân địa phương đi lại (Một đầu tại điểm chốt cổng của Khu du lịch Ghềnh Ráng do Công ty CP Du lịch Sai Gòn – Quy Nhơn quản lý với một điểm chốt còn lại tại Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa quản lý). Hiện chính con đường này lại là con đường duy nhất giúp các đối tượng vận chuyển cây rừng trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng ra ngoài QL1D.
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng cho biết: Qua thông tin báo chí phản ánh, chúng tôi xác minh người đang chặt cây rừng trong khu vực thắng cảnh Ghềnh Ráng là ông Lê Minh Tài người ở địa phương, đang sử dụng đất canh tác trồng bạch đàn là 7ha. Khi nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng giao cho Công ty CP Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn đầu tư xây dựng Khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 2) nhưng ông Tài chưa nhận đền bù vẫn khai thác đến nay. Vừa rồi, ông có đơn xin khai thác bạch đàn và UBND phường đã đồng ý cho phép thực hiện trong tháng 9 năm 2022. Còn việc tuyến đường giáp biển bị bít hai đầu là do các đơn vị quản lý muốn bảo vệ khu vực mình quản lý được an ninh trật tự.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết: Về vụ việc này đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Thanh tra Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Quy Nhơn, UBND phường Ghềnh Ráng đi kiểm tra thực tế hiện trạng chặt phá cây rừng trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng.
Theo Báo cáo của Bảo tàng tỉnh Bình Định thì Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 2009/QĐ ngày 15/11/1991.
Vừa qua, tại các vị trí dọc tuyến đường tiếp giáp mặt biển trong Khu du lịch Ghềnh Ráng (đoạn gần cổng phụ của Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa), ông Lê Minh Tài đã tổ chức khai thác bạch đàn. Diện tích khai thác ước chừng khoảng 2 ha. Năm 1990, ông Lê Minh Tài khai hoang, năm 1993 xin giao đất để trồng rừng theo dự án PAM-4304.
Năm 2004, Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ràng được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Công ty CP Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn thuê đất để thực hiện đầu tư xây dựng Khu du lịch đồi Ghềnh Ráng (giai đoạn 1). Năm 2006, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Bình Định, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm kê về đất đai, vật kiến trúc, cây cối hoa màu để tính giá trị bồi thường thiệt hại do thu hồi đất giải phóng mặt bằng để giao Công ty CP Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn đầu tư xây dựng Khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 2).
Làm việc với phóng viên, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, Bảo tàng đã lập biên bản và đề nghị UBND phường Ghềnh Ráng yêu cầu người dân dừng chặt phá cây bạch đàn, dọn dẹp, xử lý vệ sinh khu vực khai thác và trồng lại rừng trả lại cảnh quan môi trường di tích. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương và các ngành liên quan thu hồi đất sau khi hết hạn giao đất theo dư án nêu trên vào năm 2023, trả lại mặt bằng để bảo vệ di tích.
“Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra di tích, cùng đó nghiên cứu để tham mưu cho Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin chủ trương điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, tiến hành cắm mốc giới di tích để đảm bảo công tác quản lý, gắn kết việc phát huy di tích một cách hiệu quả với phát triển du lịch, phát triển kinh, xã hội của địa phương”, ông Bùi Tĩnh nói
Ông Bũi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cũng khẳng định: Việc UBND phường Ghềnh Ráng cho phép ông Lê Minh Tài khai thác bạch đàn trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng mà chưa hỏi ý kiến Bảo tàng Bình Định là không đúng, như vậy là xâm phạm, phá vỡ cảnh quan di tích. Nếu vẫn tái diễn tình trạng chặt phá cây rừng trong khu di tích qua báo chí hay người dân phản ánh thì trách nhiệm đó thuộc về Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng.
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường