Chợ Lớn Quy Nhơn luôn là hình ảnh gắn liền với biết bao người dân nơi đây. Đó không chỉ đơn giản là 1 khu chợ mà còn là hồi ức, kỉ niệm. Hãy cùng Hiquynhon nhìn lại những hình ảnh xưa cũ của khu Chợ Lớn một thời này nhé và tất nhiên không thể bỏ qua lớp áo mới tráng lệ ngày hôm nay rồi!
1. Chợ Lớn Quy Nhơn những ngày xưa cũ – quá trình hình thành:
Với những đứa trẻ ngày ấy, mỗi lần đi học bằng xe lam đều ngang qua chợ, cũng có những người đứa trẻ thường băng ngang qua Khu Chợ Lớn để đến trường. Hôm nào học buổi chiều, cuối giờ ra về cả bọn có thể mặc sức vô chợ mà dạo, ngắm nghía những gian hàng được bày bán đầy màu sắc. Chưa dừng lại ở đó, những đứa trẻ chúng tôi thích nhất là những quán ăn vặt, ngày đó mỗi món chỉ vài đồng tiền, dành dụm mấy hôm. Mặc dù chợ được bày rất nhiều hàng hóa, nhưng khi muốn mua thứ gì những dân buôn ở đây đều biết điểm đến ở đâu. Và họ rất nhanh nhẹn tìm được ngay món hàng mình cần mua.
Cái tên Chợ Lớn Quy Nhơn gắn liền từ thời xưa vì đây là chợ lớn Nhất Quy Nhơn thời điểm bấy giờ. Chuyên bán những mặt hàng quần áo với số lượng vô cùng lớn.
- Trong những năm đầu triều Nguyễn, làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay) có chợ Tấn, còn gọi là chợ Giã và chợ Thị Nại, còn gọi là chợ Chánh Thành, là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại.
- Năm 1882, thực dân Pháp đổi tên Cảng Thị Nại thành Cảng Quy Nhơn; do đó chợ Thị Nại (chợ Chánh Thành) cũng được đổi tên thành chợ Quy Nhơn.
- Tháng 10-1932 (tháng 9 Nhâm Thân), Quy Nhơn trải qua một cơn bão rất lớn, chợ Quy Nhơn bị sụp đổ, nhiều người buôn bán bị thương nặng. Chợ được dời đến nhóm họp tại khu đất Porchier bỏ trống nằm gần đường Trần Hưng Đạo ngày nay.
- Năm 1934 chợ Quy Nhơn được xây dựng lại và được khánh thành vào đầu năm 1936. Chợ mới được xây trên nền đất cũ, cũng hình chữ U.
- Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1946-1947, nhân dân Quy Nhơn thực hiện tản cư triệt để, “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không nhà trống”. Chợ Quy Nhơn bị phá hủy hoàn toàn.
- Sau Hiệp định Geneve 1954, ngụy quyền cho xây dựng lại chợ trên nền chợ cũ, bằng tranh, tre, nứa, lá.
- Mãi đến năm 1969, ngụy quyền tỉnh Bình Định mới đầu tư xây dựng chợ mới kiên cố, đồ sộ. Đầu năm 1974, chợ Quy Nhơn bị hỏa hoạn thiêu cháy rụi, ngụy quyền cho xây chợ tạm trên nền chợ cũ. Chợ này tồn tại cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
- Tháng 1-1983, UBND TP Quy Nhơn – có sự đóng góp của tiểu thương, đã khởi công xây dựng dãy chợ 2 tầng phía đường 31-3. Đến tháng 9-1985, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng khu chợ 3 tầng. (Fanpage Quy Nhon Discovery tham khảo nguồn Báo Bình Định – Cao Năm 16/5/ 2003)
Đúng với cái tên Chợ Lớn, chợ được xây dựng trên 1 mảnh đất to rộng và bề thế. Xung quanh giáp 4 mặt đường lớn Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Hoàng Diệu (giờ là đường 31/3) và Tăng Bạt Hổ. Những món hàng ở đây được bày bán rất phong phú, chất cao như núi. Toàn là những món đồ chất lượng.
Dù đã bao năm trôi qua nhưng có lẽ những con người Quy Nhơn vẫn chưa quên được hình ảnh Khu Chợ Lớn Quy Nhơn với 2 vòm nhà mái lồng to, thật đặc biệt.
Với riêng tôi, Chợ Lớn Quy Nhơn có nhiều dấu ấn kỉ niệm khó quên. Nhưng vẫn khó quên nhất là đêm đó, cái lúc chợ cháy, lửa đỏ rực cả một góc trời, người người chạy tán loại, hoảng loạn cả 1 vùng trời…
Rồi bỗng một buổi chiều mùa đông tháng 12 lạnh giá buốt, trời trở gió đông, ngày 16/12/2006. Đột nhiên từ hàng mỹ phẩm ngay góc đường Tăng Bạt Hổ Chợ Lớn Quy Nhơn bị chập điện nên bùng cháy. Những ngọn lửa loé sáng càng lúc càng rộng, lan rộng khắp cả khu chợ trước sự bất lực, hoảng hốt, nhiều xe chữa cháy, cảnh sát công an, dân quân địa phương cùng người dân phối hợp dập lửa. Tuy nhiên các ngả vào chợ chật, dân tập trung đông nên công tác cứu hỏa triển khai khá khó khăn, đám cháy ngày càng lan rộng. Lực lượng cảnh sát lại tiếp tục điều thêm 2 xe cứu hỏa đến. Lãnh đạo tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn cũng có mặt để chỉ đạo công tác chữa cháy. Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, khi những xe này đến được hiện trường thì đám cháy đã bùng phát dữ dội trên toàn khu vực chợ Lớn. Các sạp hàng rực lửa đều bị bao bọc bốn phía bởi bê tông, cửa sắt, cửa kính, bảng hiệu quảng cáo… nên lực lượng chữa cháy không thể nào tiếp cận vào bên trong. Vì vậy, các vòi phun nước chỉ phun hời hợt từ bên ngoài. Trên các tuyến đường dẫn vào chợ, xe chữa cháy liên tục hú còi đi tiếp nước giữa dòng người đông nghịt. Mặt khác, các lực lượng chức năng đã không có sự phối kết chặt chẽ, hiệu quả trong tình huống “dầu sôi lửa bỏng”. Nhiều người dân la lớn cần phải đập bỏ một vài bộ phận, cần đưa xe chuyên dụng của ngành điện lực đến để vòi nước có thể tiếp cận gần hơn đám cháy nhưng kết cục chẳng thấy đâu. Khi những kiến nghị khẩn thiết này được đáp ứng thì cũng là lúc toàn bộ hàng hóa đã bị thiêu rụi.
Những vòi nước yếu ớt của lực lượng chữa cháy không thể nào khống chế được chảo lửa khổng lồ bùng phát suốt đêm. Chỉ còn lại những phận người rơi vào thảm cảnh cơ hàn khi gia sản biến thành tro bụi… Bộ Công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy thiệt hại 120 tỷ đồng này.
Đến 22h, đám cháy vẫn chưa được khống chế, thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ đồng. Thời điểm xảy ra vụ cháy, may mắn không có người dân nào ở đó, nhưng về ảnh tài sản thiệt hại vô cùng nặng
Suốt hai ngày qua, dòng người vẫn ken kín trên các trục đường hướng về chợ Lớn Quy Nhơn. Thảm họa quá đỗi bất ngờ và khủng khiếp. Tất cả đều thảng thốt, bàng hoàng.
Trên các ngả đường xung quanh chợ như Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Trần Quý Cáp…, hàng trăm tiểu thương thất thần sau một đêm bão lửa kinh hoàng, vô vọng nhìn cảnh điêu tàn. Người đứng khóc, kẻ ngồi kêu than. Chưa bao giờ họ lâm vào tình thế ngặt nghèo đến mức cùng cực như thế.
Nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiệt hại nghiêm trọng này phần lớn lỗi do các nhân viên ban quản lý, bảo vệ chợ Lớn Quy Nhơn mà cụ thể: bị cáo Đỗ Thanh Tâm (Trưởng ban) và Đỗ Thanh Tân (Phó Ban quản lý kiêm đội trưởng đội phòng cháy chữa cháy chợ Quy Nhơn) không thực hiện được những công việc được giao như: không xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy chợ Quy Nhơn; không tổ chức lãnh đạo trực phân công ngoài giờ để thường xuyên kiểm tra để bảo vệ chợ cũng như công tác PCCC; không tổ chức cho các nhân viên đội PCCC thao tác vận hành máy bơm chữa cháy….
2. Chợ Lớn Quy Nhơn ngày nay
Dấu xưa đã mất…
Trên nền chợ Lớn Quy Nhơn thuở nào giờ đã mọc lên một trung tâm thương mại quy mô với tổng vốn đầu tư hơn 340 tỉ đồng. Đồ sộ, khang trang, hiện đại, không còn tìm thấy một chút dấu tích của chợ Lớn Quy Nhơn ngày trước. Cách đó gần 300m, góc đường Tăng Bạt Hổ – Cao Thắng hơn 11.000m2, được đầu tư xây dựng 41 tỉ đồng. Cả hai công trình này đều do Công ty An Phú Thịnh đầu tư xây dựng. Theo lời ông Lê Văn Trung: Công trình TTTM Chợ Lớn Quy Nhơn (còn gọi là An Phú Thịnh Plaza) được Bộ KH-ĐT cấp phép xây dựng và khởi công vào ngày 28.8.2008. Công trình do Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh làm chủ đầu tư.
TTTM Chợ Lớn Quy Nhơn có quy mô: 8 tầng + 1 tầng hầm. Tổng diện tích sàn (kể cả tầng hầm): 38.415,4m2. Hình thức đầu tư: xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Tổng vốn đầu tư: 341 tỉ đồng; Thời gian hoạt động: 50 năm (trong đó thời gian khai thác, kinh doanh là 48 năm). Công trình phục vụ việc kinh doanh cho khoảng 2.000 hộ tiểu thương.
TTTM Chợ Lớn Quy Nhơn là công trình đạt tiêu chuẩn TTTM hạng II, mang tính hiện đại, có thể đáp ứng nhiều dạng nhu cầu khác nhau. Tầng hầm công trình sẽ là khu vực đỗ ô tô, xe máy, cho thuê kho; tầng 1 là khu kinh doanh các nhãn hàng cao cấp, có uy tín và thương hiệu lớn trên thị trường (nữ trang, mỹ phẩm, đồng hồ, mắt kính, quần áo, giày dép, túi xách, mũ, nón; văn phòng giao dịch ngân hàng, bất động sản…) và ngành hàng tươi sống…; tầng 2 và 3 là khu vực kinh doanh các mặt hàng: quần áo, giày dép, nữ trang, mỹ phẩm, đồng hồ, mắt kính, vải sợi, điện tử, đồ chơi trẻ em, hàng lưu niệm, văn phòng phẩm và ngành hàng công nghệ thực phẩm… Tầng 4-5 là khu siêu thị trang trí nội thất; phố ẩm thực, khu vui chơi giải trí cho trẻ em, “Siêu thị mẹ và bé”… Các tầng 6,7,8 dành cho các dịch vụ: karaoke, quán bar, café, nhà hàng, tiệc cưới, hội nghị…(Theo Báo Bình Định)
Vậy là sau 5 năm Chợ Lớn Quy Nhơn bị cháy rụi, ngày 19/12/2011 một trung tâm thương mại mang tên An Phú Thịnh Plaza đã khai trương. Đây là công trình do 4 Chi nhánh VietinBank: Bình Định, KCN Phú Tài, Gia Lai và KonTum cho vay hợp vốn… . Dấu vết của ngôi chợ sầm uất, ồn ã với bao thứ hàng hóa thượng vàng hạ cám đã thật sự biến mất. Nhìn tòa nhà cao tầng đồ sộ với dòng chữ An Phú Thịnh Plaza nổi rõ trên nóc và những cửa kính bao quanh, gạch đá lộng lẫy với vài gian hàng bán điện thoại di động, quần áo, giày dép, sa lon nội thất sang trọng dọn vội vàng cho kịp tín độ khai trương, án ngữ bên trong…
Một cảm giác mất mát kì lạ tư nhiên kéo đến, tôi không biết mình buồn hay vui.
Chợ Lớn Quy Nhơn dù trong hình ảnh nào cũng đều là kỉ niệm tuổi thơ của mỗi người dân Quy Nhơn. Sẽ luôn là trung tâm mua sắm hàng hóa bậc nhất. Bây giờ có lẽ mọi người đã quen với hình ảnh Chợ Lớn Quy Nhơn nguy nga to lớn, còn được biết đến với cái tên khác là An Phú Thịnh nhưng Chợ Lớn Quy Nhơn cũ vẫn ở đó, trong mỗi kí ức của chúng ta.
Bài viết: Kim Ngân
Hiquynhon
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về ẩm thực Quy Nhơn hoặc những điều thú vị khi du lịch tại miền đất võ hãy follow HiQuyNhon để được biết thêm nhiều thông tin bổ ích nhé! Hoặc follow trang Thành phố Quy Nhơn để được cập nhật tin tức mỗi ngày nhé
Bạn có thể tham khảo một số món ăn đặc sắc tại Quy Nhơn:
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Hiquynhon.vn (Không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Hiquynhon.vn