Hình ảnh những cô gái thiếu nữ duyên dáng với tà áo dài trắng cùng chiếc nón lá điệu đà trên tay, hay hình ảnh những cô dì lao động một nắng hai sương đội trên đầu chiếc nón lá để che nắng che mưa đã không còn xa lạ và tạo nên một vẻ đẹp truyền thống xứng đáng được lưu giữ muôn đời. Hãy cùng Hiquynhon tìm hiểu thêm về nón lá Gò Găng – duyên dáng nét đẹp truyền thống của Bình Định nhé!
Từ Nam chí Bắc, nón lá Gò Găng đã trở thành vật dụng thân thiết cho người lao động một nắng hai sương, cho các cô các chị đi chợ, đi chùa. Hình ảnh những cô gái, các bà, các chị miệt mài với từng mũi kim mũi chỉ, bàn tay mềm mại vuốt từng thếp lá nên thành thơ ca:
1. Đôi nét về nón lá Gò Găng Bình Định
Ở nước ta, hình ảnh chiếc nón lá đã trở thành một phần trong bộ trang phục truyền thống của người Việt. Với hình ảnh chiếc nón quai thao của các cô gái xứ Bắc, nón lá bài thơ cô gái Huế… làm nên nét duyên dáng, mềm mại thướt tha của các cô gái. Chỉ riêng Bình Định, chiếc nón ngựa Phú Gia lại biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn liền với hình ảnh đội quân Tây Sơn thần tốc.
Bình Định thuở xưa nổi tiếng với chiếc nón ngựa, một loại nón chủ yếu sản xuất để cung cấp cho giới quan lại triều đình, các bậc văn nhân thượng lưu, quyền quý. Chiếc nón ngựa được làm ra bởi những người dân thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), rồi được chuyển về bán tại chợ nón Gò Găng, một địa điểm trao đổi mua bán nón ngựa có từ lâu đời, nên được gọi là nón Gò Găng. Ở Bình Định, nghề làm nón truyền thống trải khắp các làng Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn).
2. Chiếc nón lá Gò Găng ngày nay có gì khác?
Chiếc nón Gò Găng bây giờ là sự kết hợp hài hòa giữa nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa ngày xưa. Nó tiết kiệm được nguyên vật liệu, giảm tính cầu kỳ thái quá, hợp với dân lao động một nắng hai sương. Song, không vì lẽ đó mà mất đi vẻ duyên dáng nên thơ. Ngược lại, với dáng thanh mảnh riêng biệt của mình, nó được nhắc đến nhiều trong thơ ca nhạc họa.
3. Các công đoạn làm ra chiếc nón lá Gò Găng
Nghề làm nón Gò Găng có từ thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ, việc làm nón ngựa hồi ấy rất dày công và tỉ mẩn. Để là một chiếc nón ngựa thường phải trải qua bốn công đoạn:
- Tạo sườn mê: Rễ cây giang lấy từ trên núi đem phơi khô, chẻ thành những sợi nhỏ mỏng như sợi cước. Cách thức đan nang theo kiểu đan giỏ, các lỗ nang có hình lục giác tạo thành một miếng mê lớn.
- Thắt nang sườn: Đặt miếng mê lên khuôn nón mẫu, khâu vành nang dưới cùng để tạo sườn hình nón. Tiếp đến là khâu sườn đứng và sườn ngang bằng các sợi giang có kích cỡ như sợi tăm. Hai công đoạn làm sườn nón này phải do những người thợ chuyên nghiệp thực hiện để cho những người thợ làm nón bình thường thực hiện tiếp các công đoạn sau.
- Thêu hoa văn trên sườn: Thông thường, nón được thêu hoa văn theo các đề tài long, lân, quy, phụng; lưỡng long tranh châu; mai lan cúc trúc; các câu thơ; câu đối hoặc những cảnh vật trên nang sườn.
- Công đoạn cuối cùng là lợp lá chằm chỉ: Lá kè tươi phải được hái về từ vùng núi Vĩnh Thạnh, Gia Lai, sau đó sẽ được xử lý công phu, tướt bỏ sống lá, phơi khô trong bóng râm, đặt trên chậu lửa và lồng tre để xông lá cho chín, sau đem ra ngoài trời phơi sương, hơ lửa để vuốt cho lá được thẳng và phẳng. Người thợ dùng kéo chuyên dụng có bản mỏng, lưỡi dài để cắt lá thành từng miếng nhỏ theo chiều cao nón. Xếp chồng mép mí lá bủa đều xung quanh sườn nón từ đỉnh xuống. Chằm lá vào sườn nón, chỉ chằm nằm dưới mí lá nên nhìn bên ngoài không thấy đường chằm. Chằm xong, người thợ cắt bỏ những sợi chỉ thừa dính trên bề mặt nón và không quên trang trí một đùm chỉ ngũ sắc ở đỉnh nón.
Vì vậy giá thành rất đắt, nó chỉ dành cho những người cao sang quyền quí, những chức sắc quan lại của triều đình. Dần dà theo nhu cầu của giới bình dân, nón ngựa được cải biên thành ngựa đơn, rồi nón buôn, nón chũm rẻ hơn nhiều. Các loại này đều không có chụp, nó được thay bằng những tua ngũ sắc ở chóp nón cho đẹp. Đám cưới ở các vùng làm nón, nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể thì đội nón, đi ngựa. Nhà nào nghèo cũng ráng sắm đôi nón ngựa cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày cưới.
Ngày nay, các cô gái làng nón hầu như ít còn giữ được phương pháp làm nón ngựa nữa. Họ quen với công đoạn nhanh, giản tiện và dễ tiêu thụ của chiếc nón trắng mảnh mai, một sản phẩm của quá trình cải cách lâu dài. Để làm loại nón này cũng phải qua nhiều công đoạn. Trong đó làm lá là công đoạn khó nhất.
Mỗi nón phải xây với 18-19 lá ở độ tuổi thích hợp. Nếu lá quá tuổi sẽ dẫn đến màu vàng như nón mắc mưa, thếp lá dày không thanh mảnh; lá nhỏ tuổi thì nhiều gân xanh, làm cho mặt nón thô nhám mất đi vẻ mượt mà.
Đầu mối chính của nghề nón là thị tứ Gò Găng. Nơi đây có một chợ nón lớn, họp thường xuyên từ 3, 4 giờ sáng. Cứ hết một đợt làm được 25- 30 chiếc thì bà con các vùng phụ cận lại mang nón đến bán và mua sắm vật liệu cho đợt sau. Từ vùng núi cao nguyên mưa nguồn gió dữ đến các miệt vườn Nam bộ, nón lá Gò Găng đã trở thành vật dụng thân thiết cho mọi người lao động.
4. Nghề làm nón có đang bị mai một?
Nghề làm nón ở Bình Định tuy không làm giàu được nhưng cũng sẽ không chết, vì nó là nghề lúc nông nhàn, nghề truyền thống của nhiều làng quê. Và chiếc nón không đơn giản chỉ là một vật đội đầu che nắng che mưa nữa, nó còn là sản phẩm kết tinh của tính chăm chỉ, sáng tạo, sự khéo léo của người thợ và thể hiện trình độ văn hóa của vùng đất đã sản sinh ra nó. Nghề này rất hợp với chị em phụ nữ ở nông thôn. Sau mùa làm mạ gieo cấy, họ sử dụng thời gian nông nhàn để làm nón. Công việc nhanh có tiền lại không nhiều vốn như các nghề khác.
Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận Làng nghề Nón lá Gò Găng đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Nếu bạn có dịp đi ngang An Nhơn đất Bình Định, đừng quên dành thời gian ghé lại thăm làng nghề làm nón truyền thống độc đáo này để cảm nhận thêm về một nét đẹp văn hóa của mảnh đất đầy nắng gió nhưng sâu nặng nghĩa tình này và để hoài niệm về một quá khứ hào hùng của đội quân người anh hùng áo vải.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về ẩm thực Quy Nhơn hoặc những điều thú vị khi du lịch tại miền đất võ hãy follow HiQuyNhon để được biết thêm nhiều thông tin bổ ích nhé! Hoặc follow trang Thành phố Quy Nhơn để được cập nhật tin tức mỗi ngày nhé
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Hiquynhon.vn (Không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Hiquynhon.vn