Ai đã đến Quy Nhơn dù chỉ một lần đều nhớ biển xanh, sóng vỗ, nhớ những con đường phố hẹp thân thương, nơi đã cùng dạo chơi trong thời gian lưu lại nơi này.
Những người đặt chân đến Quy Nhơn vào những năm đầu tiên sau 1954 thì sẽ thấy những con đường ở Quy Nhơn lúc đó là những con đường đất phần nhiều cây cỏ mọc hoang. Có những con đường một vài lô cốt nằm nghiêng ngã, những ụ đất lởm chởm đá. Một con đường sắt nằm trơ ra không còn hoạt động…chứng tích của chiến tranh còn sót lại.
Đất nước tạm yên bình, mọi người đến đây sinh sống, định cư. Cuộc sống khiến tất cả phải làm lại từ những đống đổ nát. Họ khai hoang, dỡ đất, xây nhà, trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi, mở đường…nhu cầu nối tiếp nhu cầu. Người dân, lúc đầu mới đến đây chỉ là từng nhóm nhỏ, dần dần nhiều lên, mở rộng ra từng xóm, rồi từng vùng…hàng ngày, tiếp xúc qua lại với nhau. Sau đó, có người mua, kẻ bán nên họ tăng gia sản xuất để trao đổi hàng hóa…Vì vậy, các con đường bắt đầu được mở ra để tiện việc giao thông.
Để xây dựng thị xã, chính phủ tổ chức các cơ quan, trường học. Các công chức, các nhân viên được đổi đến đây để làm việc… và thế là Quy Nhơn mỗi ngày một đông và dần dần thay đổi hẳn lên.
Ty Công Chánh đặt ở đường Nguyễn Huệ (sau lưng trường Ấu Triệu), là nơi bận rộn nhất với công việc đào đất, san phẳng, đổ đá, rải nhựa,…. để làm các con đường.
Tôi sống ở nơi đây từ bé đến lớn, nên gần gũi, gắn bó, yêu quí và được chứng kiến những sự đổi thay…Tuy trải qua trên nửa thế kỷ nhưng những hình ảnh về miền đất, về con người vẫn in đậm trong tâm trí tôi…Tôi không phải là người giỏi về tường thuật, lại không phải là một nhà Địa lý… mà tôi chỉ là một người kể theo cảm xúc của mình, cho nên không sao tránh khỏi những sai sót…
Hãy cùng tôi nhớ về một vài con đường Quy Nhơn của một thời nào xa lắm!
Đường Gia Long (nay là Trần Hưng Đạo)
Trong nhiều bài hát nói về Bình Định, Quy Nhơn tôi thích nhất là bài Bình Định Quê Hương Tôi của một người con Bình Định – Nhạc sĩ Xuân Điềm – do Khánh Ly hát:
“…Thương nhớ về Bình Định
Nón lá Gò Găng năm nào
Cùng người em Tăng Bạt Hổ
Chiều hè dạo phố Gia Long…”
Đến Quy Nhơn mà không một lần dạo chơi trên con đường Gia Long quả là thiếu sót vì đây là con đường phố chính ở Quy Nhơn.
Con đường Gia Long nay đổi tên là đường Trần Hưng Đạo, là một phần của quốc lộ 19 chạy từ ngả ba Phú Tài xuống Bến Tàu (Hải Cảng Thị Nại – Khu 1). Trong ký ức của tôi, những năm đầu thập niên 60, đây là một con phố buôn bán nhộn nhịp của Qui Nhơn. Nơi đây, tập trung rất nhiều cửa tiệm mua bán, nói chung là mặt hàng nào cũng có. Do đó, mỗi lần cần mua gì, mọi người thường đến các cửa tiệm ở đây để mua. Hàng hóa trưng bày rất đẹp! Từ sách, vở, báo chí, dụng cụ học sinh cho đến đồ dùng gia dụng, đồ dùng nông, ngư nghiệp…ngoài ra còn có tiệm bánh kẹo, trái cây…Những người dân trong thị xã thường đến đây, khi thì mua báo, sách vở…khi thì mua những chiếc áo mưa…có lúc ghé đến tiệm trà, rượu…nếu cần mua đồ sính lễ trong việc cưới hỏi hay để biếu…vào tiệm trái cây mua một trái lê, một trái táo (nhập từ Pháp) về nhà ăn cho biết…dừng lại tiệm bánh kẹo mua hộp bánh biscuit, hộp kẹo…thường mua nhất là vào những ngày lễ, Tết.
Phố Gia Long là phố chính của Quy Nhơn với những cửa tiệm buôn bán. Nhưng đông đúc cũng chỉ một đoạn từ Bến xe cũ (đẩu đường Võ Tánh cho đến đường Lê Lợi). Tại khu vực này, trước năm 1963, sau cây xăng là Phòng Đọc Sách thị xã, sau đổi tên là Quán cơm Bình Dân, bây giờ là Đồn Công An phường Trần Hưng Đạo. Tại Bến xe còn có quán cơm của bà Lâm Huế, với món mắm cá thu xay ngon đặc sắc (bây giờ vẫn còn). Ấn tượng đối với tôi là các cửa tiệm nhưng lâu quá rồi không biết trí nhớ của tôi có chính xác không?! Như tiệm bánh kẹo Hiệp Ý ôm trọn góc cua này, bán đủ loại bánh kẹo Tây và ta. Hiệp Ý có bán cả trái cây tươi ngoại nhập. Dạo đó, được ăn một trái táo… của Pháp là sang lắm ! Nhớ có lần, ba tôi mua một trái táo, một trái lê Pháp, về nhà mỗi người chỉ được một miếng nhỏ nhưng tôi nhớ mãi hương vị của nó. Tiệm Duy An bán gương, Đại Chúng bán sách báo, Radio Thanh Tuyến, Sách báo Khánh Hưng, các tiệm tạp hóa Nghĩa Hòa, ,Ngọc Phú (Nhà của anh Ninh-Ông xã của Kim Loan, bạn tôi), nhà sách Việt Long, nhà sách Tao Đàn (trước kia là nhà sách Duyên Nam), Tân Phượng, Xuân Cầu (nhà của chị em Xuyến-Thủy), Phú Thịnh (Nhà của Phú Vinh-bạn cùng lớp với tôi), Kim Sơn. Đối diện là tiệm vải Trung Thành (Nhà của Lan- bạn cùng lớp). Ông Trung Thành cũng là chủ nhân của hãng xe buýt Châu Thành chạy tuyến đường Qui Nhơn-Bồng Sơn. Tiệm Bồng Sơn bán ngư cụ, máy đuôi tôm…Hiệu xe đạp Tân Thành, tiệm chén bát Việt Hưng, Minh Châu, nhà may Tân Thích, Đà Lạt, tiệm chụp hình Trùng Dương… Tiệm thuốc tây Trung Tâm, tiệm vải Liên Phát, tiệm bán đồ sắt Cẩm Hưng. Ngay ngả tư Gia Long-Phan Đình Phùng có nhà lầu bốn tầng Quốc Hưng chuyên bán ngư cụ, lưới cước…Trên đường này cũng có tiệm mì Trường Đề (còn gọi là tiệm mì Gốc Ổi), tuy nhỏ nhưng nổi tiếng ngon và rẻ. Đối diện là tiệm Hóa Hưng nổi tiếng bán bánh kẹo, Ngọc Hữu, Vải Vĩnh Phát, Tiệm áo quần Phú Nguyên, Tiệm may Thuận Ký, Tiệm xe đạp Phổ Thông (sau này chuyển bán sắt), tạp hóa Minh Sơn, tiệm Tập Mỹ, tiệm Bạn Trẻ bán dụng cụ học sinh, tiệm bánh pâtéchaud Abi…có mấy nhà của người Hoa…Chùa Ông Bổn. Xuống dưới một chút là Đại bài gạo Việt Hoa. Nhà hàng lớn nhất Qui Nhơn lúc bấy giờ là Nhà hàng Ngũ Châu, chuyên nấu các món ăn Việt, Tàu, Tây…nhận tổ chức các tiệc cưới…Có khách sạn Hòa Bình được đánh giá là sang trọng nhất thị xã thời bấy giờ. Xuống một chút là nơi bán vé máy bay Air Việt Nam-Lê Văn Tha. Tiệm vàng Phú Xuân, Tam Hòa Thạnh trồng răng, tiệm chụp hình Trần Đức Cầu, tiệm sách Bốn Phương…
À tôi quên, phía bên kia đường nhìn đối diện từ trên xuống là tiệm đồng hồ của nhà chị Châu Lệ Hoa-Châu Lệ Mai, tiệm vải Hiệp Phát, Hiệp Thạnh bán xì dầu, đèn cầy, đồ khô, tiệm sách Bình Minh(sau này dời qua đối diện), Diệu Ký bán trà, Hoa Phát bán các ngư cụ, các ngôi nhà của người Hoa, Nhà của chị Bích Lệ-Lan Anh, Đình Cẩm Thượng, tiệm trồng răng Ánh Hồng, hãng vận tải Vĩnh Du Phong chạy tuyến đường Sài Gòn-Qui Nhơn. Tôi còn nhớ bắt đầu từ nơi đây, lề đường rộng gấp đôi những nơi khác có lẻ là để cho xe tải đậu. Ở xóm này có tiệm thuốc Bắc Phước Thịnh Đường, nhà có hai cô con gái đẹp sắc nước hương trởi… nhà in Chi Lăng, nhà thuốc tây Diên Hồng (sau này chuyển về góc đường Phan Bội Châu-Mai Xuân Thưởng) …Giai đoạn xuất hiện người Mỹ có vũ trường Hằng Nga (Moon light). Vũ trường này là của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, ông ta còn mở thêm một vũ trường Bồng Lai (Eden) ở đường Phan Bội Châu…Đi xuống có tiệm uốn tóc của chị em Hường (người Huế). Xuống nữa là Gia Phước, nhà hộ sinh Nguyễn Thị Hằng, nhà sách Trinh Vương, trường Trinh Vương, Nhà Thờ Chính Tòa (gọi là Nhà Thờ Nhọn), Tòa Giám Mục, bệnh viện Thánh Gia, Quân Tiếp Vụ, các khu gia binh, bồn xăng dầu… chợ cá Khu Một và cuối cùng là bến Cảng Thị Nại.
Do sự sầm uất cho nên không ai ở Qui Nhơn trước 75 mà không biết phố Gia Long. Nhất là từ năm 1962, trường Sư Phạm Quy Nhơn được thành lập thì chiều chiều đường phố lại càng đông đúc bởi sự xuất hiện những giáo sinh Sư Phạm. Nhiều người trong số họ gắn bó với con đường này bởi vì những chiều thứ bảy, những chiều cuối tuần dạo phố. Thời gian đó, ra phố dạo quanh các quán xá, mua sách, báo, nhạc…là một cái “mốt”. Do đó, con đường luôn dập dìu tài tử giai nhân, nam thanh nữ tú…nhiều đôi tay trong tay dìu nhau đi trên phố. Người đơn lẻ thì liếc mắt tìm kiếm…cũng không ít trường hợp có người ngẩn ngơ hay luyến lưu với “…tà áo dài ai bay trong chiều lộng gió”, rồi đi theo… về đến tận nhà…
Đường Phan Bội Châu
Song song với đường Gia Long là đường Phan Bội Châu. Con đường này theo tôi là con đường “hò hẹn” vì sau khi gặp, quen nhau ở phố Gia Long rồi bắt đầu hẹn hò, gặp nhau ở đây. So với đường Gia Long thì đường Phan Bội Châu yên tĩnh hơn nhiều. Với lại, con đường này có nhiều tiệm kem, như kem Phi Điệp, Ngọc Thành, Tuyết Trắng… có rạp chiếu phim Tân Châu…là những nơi lý tưởng cho những cuộc hẹn gặp.
Ngay góc đường Phan Bội Châu – Mai Xuân Thưởng có hãng nước đá Phát Hưng. Ông bà Phát Hưng có cô con gái tên Kiều Oanh, là một thần đồng ca múa nhạc của thị xã.
Đường Phan Bội Châu ngắn hơn đường Gia Long nhiều. Con đường bắt đầu từ Vườn Bông bây giờ là Vòng Xoay cho đến đường Lê Thánh Tôn, sau này, đường được mở rộng thêm một đoạn ngắn về phía dưới.
Tôi còn nhớ, năm 1960, Chị bà con của tôi cũng hẹn hò với ai đó ở tiệm kem Phi Điệp nên dẫn tôi theo. Ở đây, tôi được ăn ly kem ba màu với một dĩa đủ các loại bánh, thật là ngon! Gần đó một chút, có tiệm chụp ảnh Hồng Hà với những cô gái dễ thương như Khánh Vân, Khánh Tuyết, Khánh Hà… kế đó là nhà Mai Ngôn với khoảng đất rộng chuyên sản xuất gạch bông, gạch ống, các ống thoát nước…Thời gian đó, đường này chưa mở ra nhiều tiệm nên tôi chỉ nhớ thế thôi. À, đi thêm một đoạn nữa bên tay trái có quán café Da Vàng đông khách nhờ café thơm ngon và nhạc rất hay…đối diện phía bên dưới có tiệm giày Tân Việt (nhà của Nhàn, Phúc, Nga ) và Tân Toàn (Nhà của anh Thiện ). Góc đường Phan Bội Châu-Lê Lợi có quán café Dung, quán này nổi tiếng và rất đông khách…Xuống một chút là chợ Qui Nhơn, cuối đường là Đạo Quán nơi sinh hoạt của Hướng Đạo, gần đó là biệt thự nhà của ông Bửu Giá…
Đường Tăng Bạt Hổ
Con đường được mọi người gọi tên là đường “chợ”. Thật ra Chợ Quy Nhơn nằm vuông vức trên bốn con đường là Phan Bội Châu, Trần Quí Cáp, Tăng Bạt Hổ, Hoàng Diệu. Nhưng vào thời điểm đó, mặt đường Tăng bạt Hổ là đông đúc nhất. Đường Tăng Bạt Hổ nằm song song với đường Phan Bội Châu nhưng dài hơn. Phía trên kéo dài cho tận đến sân bay. Phía dưới chạy dài cho đến cuối trường Ấu Triệu.
Lúc đầu, có chợ Quân Trấn sau này chợ này dời về đường nằm gần đó. Nơi đây cũng là doanh trại quân cảnh. Ngã tư Tăng Bạt Hổ-Võ Tánh là bùng binh, nhìn xuống bên tay trái là Sân Vận Động, nơi từng có những cuộc so tài nảy lửa về điền kinh, bóng tròn, bóng bàn, bóng chuyền, võ thuật, quần vợt…giữa các đội thể thao tài tử, nhà nghề trong và ngoài tỉnh. Vào những dịp lễ lớn, các cuộc meeting được tổ chức ở đây rồi xuất phát diễn hành qua các đường phố lớn trong thị xã. Bên phải là tiệm vải của người Ấn Độ, bên trái là một dãy các hiệu giày. Đi một đoạn là trường Bồ Đề. Từ lúc có ngôi trường này, ngày ngày nam nữ học sinh đi học ra vào làm cho con đường trở nên tấp nập. Đối diện có các quán bánh bèo, bánh xèo, quán chè…nổi tiếng một thời.
Sau đó, là đến chùa Tỉnh Hội, chùa Long Khánh. Cô Nhi Viện Phật Giáo. Bên phải là chùa Sư Nữ. Qua khỏi ngã tư Lê lợi…là đến nhà bác sĩ Trương Sĩ Hoàn, nhà cô Ca sĩ Kim Liên, nhà của tôi, nhà chị Lành…đối diện bên kia đường là Xóm Nhà đèn, rồi Chợ lớn…
Qua khỏi Lê Thánh Tôn là trại Truyền tin, trường Tiểu học Ấu Triệu…
Con đường này không có những hàng cây xanh, không thơ mộng nhưng nó đã ghi dấu trong tôi bao kỷ niệm của một thời tuổi thơ, của những ngày học ở bậc Tiểu học và nhất là in dấu bao bước chân đi về trong suốt thời gian làm cô giáo, dạy học ở trường Ấu Triệu.
Đường Nguyễn Du
Song song với đường Tăng Bạt Hổ nhưng ngắn và yên tĩnh hơn nhiều. Con đường bắt đầu từ đường Ngô Quyền cho đến Lê Thánh Tôn. Với những ngôi nhà kín cổng có những giàn hoa giấy đủ màu. Thế nhưng đằng sau đó là những “bóng hồng” một thời của Qui Nhơn (Tôi sẽ nói trong phần sau “Những Bóng hồng Qui nhơn”). Do yên tĩnh, ít xe nên con đường thích hợp cho những sĩ tử học hành, thi cử.
Đường Nguyễn Du là con đường mặt sau nhà tôi nên chiều chiều, tôi thường ra đây xem mọi người chơi vũ cầu, người tập xe đạp, thả diều hay lên xuống dạo chơi. Có rất nhiều anh chị giáo sinh sư phạm có nhà hay trọ học ở đây như anh Cần, anh Bảo, Chị Thế Thanh, anh Triền, anh Sanh, chị Ân, chị Trung, chị Thành, chị Hà, chị Hoa, ba chị em tôi và còn nhiều…nhiều người nữa tôi không nhớ hết được!
Đường Hai Bà Trưng
Có người gọi con đường này là con đường Bưu Điện. Dạo đó, bưu điện là phương tiện liên lạc đuy nhất cho những người thân ở xa hay trao đổi tình cảm với nhau. Vì thế ai cũng biết và thường đến đây để gởi thư từ.Đường Hai Bà Trưng nằm song song với đường Nguyễn Du. Bắt đầu từ ngã tư Cường Để đến ngã tư Lê Thánh Tôn, sau đó thêm một đoạn đến sát Ty Công Chánh.Con đường này yên tĩnh. Lòng, lề đường không rộng lắm nên nhà cửa hai bên đường như xích lại, gần gụi và thân thương.
Đối diện với Bưu điện là Ty Thương binh và xã hội…Trên ngã tư Trần Cao Vân một tí, sau này có mở quán café Mây Mùa Thu cũng khá nỗi tiếng. Qua ngả tư Hai bà Trưng-Trần Cao Vân là ngôi nhà của Quận trưởng Lụt-chồng cô Mỹ Hòa, đối diện là Nhà Thờ Tin Lành. Gần cuối đường có bệnh viện lao trước trường Tân Bình nhưng sau dời đi.
Đường Nguyễn Huệ
Con đường thường được người dân nơi đây cọi là con đường biển vì con đường này chạy dọc, ôm sát theo bờ biển từ khu một cho đến Ghềnh Ráng. Nếu cùng nhau đi dạo trên con đường này thì sẽ nghe tiếng vi vu của hàng dương, tiếng xào xạc của hàng dừa hòa với tiếng sóng biển vỗ ầm ì vào bãi cát…Ở đây, đêm xuống có thể ngắm trăng lên trên biển…ngắm ánh đèn lấp lánh thuyền chài xa xa…và bầu trời thì có muôn vàn vì sao lấp lánh…thật là huyền diệu! Đường Nguyễn Huệ có các Khu quân sự, có Ty Công Chánh, Ty Y Tế, Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, Trường Mẫu Giáo, Sau năm 1972 có trường Tăng Bạt Hổ (Bồng Sơn). Có Lăng Ông, Khu Hai. Đến ngã ba Cường Để có Tòa Án, Dinh Tỉnh Trưởng, bệnh viện…Nhà Thờ Hòa Ninh…Eo Nín Thở, Sân bay…Trường Vi Nhân, Trường Sư Phạm Qui Nhơn, Trường Kỹ Thuật, Quân Y Viện…Rất nhiều học sinh gắn bó với con đường này! Riêng tôi thì có quá nhiều kỷ niệm của khoảng thời gian học mẫu giáo, thời gian học trung học và hai năm học ở sư phạm…
Những con đường tôi vừa nói ở trên là những con đường chạy dọc xuyên suốt Thành Phố. Do Thành phố nhỏ nên đa phần những con đường ngắn thôi ( chỉ có con đường Gia Long là dài hơn cả). Bên cạnh đó, còn có những con đường nằm ngang song song và cũng ngăn ngắn mà thôi.
Đường Cường Để (Trần Phú)
Con đường được mệnh danh là con đường “thơ mộng thời cắp sách”, đó là đường Cường Để. Đường Cường Để bắt đầu từ đường Nguyễn Huệ đến Nguyễn Thái Học. Đường có nhiều công sở, dinh thự, trường học như kho bạc, ty Giáo Dục, trường Cường Để và một số nhà ở, đa số là của công chức, một số nhà cho thuê. Nhiều giáo sinh sư phạm thuê nhà ở đây vì lúc đầu trường chưa có nội trú. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng ở nhà trọ trên con đường này.(Tôi cũng nghe một anh quen kể lại, khi mới từ Huế vào Quy Nhơn, nhạc sĩ ở trọ tại nhà sách Việt Long, sau đến trọ tại tiệm cắt tóc Mỹ Hiệp trên đường Mai Xuân Thưởng, gần nhà thuốc bắc Hồng Nam).
Đường Cường Để có nhiều cây xanh, tán lá xòe rộng rợp mát cả đoạn đường. Hạ đến, hoa phượng nở đỏ rực, ve kêu râm ran làm xao động nắng hè, làm dâng lên nỗi buồn chia tay cuối cấp của tuổi học trò. Không biết bao nhiêu lần những cô cậu học sinh như tôi đi dưới những hàng cây này để nhặt những đóa phượng rơi mà ước mơ, mà bâng khuâng, mà xao xuyến…Những ngày mưa, che dù đi dưới những hàng cây, thật là lãng mạn! Bây giờ mỗi lần về Qui Nhơn, có dịp đi ngang con đường này, tôi đều nhớ lại một thời tuổi trẻ của mình.Đường này có những quán chè rất ngon, nhất là chè thập cẩm. Hiện nay, có những quán phở, quán bún cũng rất nổi tiếng.
Đường Võ Tánh (Lê Hồng Phong)
Con đường được mang tên là con đường “bên nhau”. Do lòng đường và hai bên lề đường rất rộng nên thích hợp cho những đôi sánh bước bên nhau trên phố hay những nhóm bạn bè cùng nhau đi dạo chơi.Đường Võ Tánh nằm song song với đường Cường Để, từ Nguyễn Huệ cho đến vườn bông (vòng xoay) thêm một đoạn nữa đến đường Gia Long là hết.Lúc đầu, đường này chỉ có một vài cửa hiệu bán vải của người Ấn Độ. Sau này có quán pâtéchaud- nước đậu của một bác người Huế, có những quán với bàn bi da. Qua khỏi ngã tư có đài phát thanh, đài truyền hình.
Đối diện là quán café Lệ Đá và khi xuất hiện người Mỹ thì một số quán Bar được mở ra…trường Cường Để sau này là trường Tiểu học Nguyễn Huệ…ngã tư Vườn Bông, bên cạnh vườn bông có khách sạn Thanh Bình với tòa nhà bốn tầng đồ sộ. bên hông khách sạn là đường Lý Thường Kiệt, đi một đoạn ngắn nữa về hướng Khu Sáu là đến sân bay Qui Nhơn (nay là đại lộ Nguyễn Tất Thành với siêu thị, trung tâm thương mại tấp nập). Đối diện với vườn bông còn có Hội trường Qui Nhơn… Nhà Ga xe lửa…tiệm vàng Hương Bình, tiệm giày AJS, Tiệm chụp hình Bác Ái…
Đường Trần Cao Vân
Nằm song song với đường Võ Tánh. Nơi góc đường Phan Bội Châu-Trần Cao Vân có rạp Cộng Hòa, Đoàn Hát bội Bình Định. Thỉnh thoảng có những đoàn cải lương từ Sài Gòn ra thường diễn ở đây. Kế đó là cổng sau dẫn vào Chùa Tỉnh Hội và Chùa Long Khánh.Đi về hướng đường Nguyễn Huệ hồi đó phần nhiều là tư gia của công chức. Đoạn đường này rất thấp so với những đoạn đường khác nên vào mùa mưa thường ngập…đi học về học sinh chúng tôi thích thú vì được lội bì bõm…
Đường Lê Lợi
Bắt đầu từ ngã ba Bạch Đằng chạy đến ngã ba Nguyễn Huệ (đường biển). Nhộn nhịp nhất là từ góc đường Gia Long đến Hai Bà Trưng. Nơi đây có rạp chiếu bóng Lê Lợi, tiệm ăn và tiệm nước mắm Thanh Hương nổi tiếng thơm ngon…Đối diện bên kia đường là tiệm may Hoài Xuân, tiệm may áo dài Cát Long, tiệm vàng Đồng Thạnh, quán giải khát Thanh Thanh (nhà của Vinh) khá đông nam thanh nữ tú trú mưa hay ghé chân nơi này trước và sau mỗi xuất chiếu phim, tiệm vàng Mỹ Phụng.
Ngay góc đường Lê Lợi-Hai Bà Trưng có quán café Văn, trang trí khá tao nhã…chủ nhân là đôi vợ chồng trẻ rất mê nhạc nên khách đến đây thường được thưởng thức những tuyệt phẩm tiền chiến lẫn đương thời. Đôi vợ chồng trẻ hiện nay là chủ quán Sông Trăng nổi tiếng ở Bình Quới- Sài Gòn.
Đường Hoàng Diệu (đường 31/3)
Đường này có hãng gạch bông Kim Hạnh quay mặt qua chợ. Đi xuôi về hướng biển thì đường chạy dọc bên hông của Ty Thanh Niên, Ty Y Tế, trường Nữ Trung Học.
Đường Lê Thánh Tôn
Đây là con đường khá rộng, từ trước mặt Nhà Thờ Nhọn cho đến đường Nguyễn Huệ. Hằng ngày, người dân nơi đây, cứ sáng sớm hoặc xế chiều mặc đồ tắm vai mang víc-xi đi bộ xuống tắm biển.
Trước năm 1975 có Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp, sau lưng là khu định cư của những giáo dân Thiên Chúa và Khu Gia Binh.Góc đường Tăng Bạt Hổ – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Du có biệt thự màu hồng mà mọi người xung quanh gọi là “Biệt Thự Một triệu”, có biệt danh như thế là vì năm 1960, khi trúng vé số Kiến Thiết Quốc Gia một triệu đồng, chủ nhân đã mua và xây ngôi nhà này. Đối diện biệt thự là Trại Truyền Tin rồi đến Chùa Huệ Quang Tự.
Bây giờ thì Thành Phố Quy Nhơn được mở rộng ra và có rất nhiều con đường mới với nhiều cây xanh, nhiều hoa…đêm đến lại rực rỡ bao ánh đèn. Một thành phố biển mang một bộ mặt hiện đại thích hợp với xu thế mới! Thế nhưng trong ký ức của tôi, một người đã sống ở đây vào thập niên 60-70, thành phố này vẫn là thành phố nhỏ, êm đềm, hiền hòa, và thơ mộng. Tôi xin cám ơn Thành Phố với những con đường bình dị, thân thương. Những con đường đã in dấu bao buồn vui của thời cắp sách, những con đường đã từng chứng kiến những cuộc tình ngây ngô của tuổi học trò…Bây giờ, cũng chính những con đường này, thỉnh thoảng lại đón bước chân, mỗi khi tôi trở về…
Rời xa Thành Phố đã lâu nhưng lòng tôi lúc nào cũng đau đáu một nỗi nhớ về những con đường thân quen ở Quy Nhơn!