Có lẽ năm nào chúng ta cũng nghe được câu hỏi này từ một ai đó. Và câu chuyện “Tết xưa có vui hơn Tết nay” có lẽ sẽ còn rất lâu mới có thể “hạ nhiệt”. Vậy Tết xưa và nay có gì khác nhau mà mọi người lại tranh luận về chủ đề này sôi nổi đến thế? Cuộc sống ngày càng hiện đại đã làm Tết cổ truyền thay đổi như thế nào? Và thành phố biển đón Tết ra sao? Hãy cùng Hiquynhon nhìn toàn cảnh bức tranh Tết Quy Nhơn nhé!
Chợ Tết
Xưa: Phiên chợ Tết Quy Nhơn bắt đầu khoảng từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết. Thời công nghệ số còn chưa phát triển, thì đi chợ sắm đồ mới là điều mà đứa trẻ nào cũng háo hức và lẽo đẽo đi theo vì biết rằng cả năm có một lần, theo mẹ mua sắm thì thể nào cũng có quà, “vòi” là mẹ mua cho ngay đó mà.
Nay: Công nghệ hiện đại, chợ online phát triển, người người nhà nhà đều mua sắm chỉ qua một cú “click chuột”. Thứ gì cũng có, tất cả đều thanh toán qua thẻ, chưa bao giờ mua sắm ngày Tết lại dễ dàng như thế.
Nấu bánh chưng ngày Tết
Xưa: Tết đến Xuân về thì bánh chưng, bánh tét là thức quà mà nhà nào cũng có cho mình vài cây hay vài gói. Tối đến, cả gia đình sum vầy cùng gói bánh chưng, thức đợi bánh chín, cũng nhau trò chuyện trong một năm qua, trẻ nít vui đùa, người lớn thưởng trà tâm tình. Nấu bánh chưng không đơn thuần là nét truyền thống Việt mà đã trở thành niềm hân hoan, sum họp dịp cuối năm.
Nay: Quy Nhơn phát triển thành khu đô thị mới, bởi thế mà không còn quá nhiều nhà nấu bánh, đa số là ra chợ, siêu thị mua hay gọn hơn là order trên mạng, hoặc nhờ người thân ở dưới quê gói giùm.
Đón giao thừa
Xưa: Với nhiều người, đón giao thừa trong kí ức là ở nhà cùng gia đình xem “Táo quân” rồi sửa soạn đi xem pháo hoa. Ở Quy Nhơn thì chỉ có một điểm bắn pháo hoa ở “sân bay” thôi nên đêm 30 thì rất đông người. Và kỉ niệm đẹp nhất từng có của mỗi đứa trẻ là khoảnh khắc ngồi “vắt vẻo” trên vai bố để ngắm cho rõ.
Nay: Giao thừa là dịp đi chơi ăn uống hoặc ở nhà xem pháo hoa qua “ti-zi”, hoặc xem các chương trình đón Tết của các nước khác qua Youtube. Chẳng còn mấy ai mặn mà với tiếng pháo nổ vui tai ngày ấy.
Chụp ảnh Tết
Xưa: Muốn lưu lại kỉ niệm gia đình đoàn tụ ngày Tết thì chỉ có kéo nhau ra tiệm và phải chờ rất lâu mới cầm được tấm ảnh trên tay. Hẹn nhau để đi chụp hình, địa điểm là công viên gần nhà hay lên các “bãi”, không có điện thoại mà lại rất đúng giờ.
Nay: Cần gì ra tiệm nhỉ? Smartphone “seo-phì” một tấm là có ngay, xem hình tức khắc. Chụp dễ dàng mà chỉnh sửa nhanh gọn. Ra ngay đường hoa Nguyễn Tất Thành là đã có ngay một bộ ảnh đẹp có liền.
Đi chơi Tết
Xưa: Những ngày mồng 1 mồng 2, qua nhà ông bà, người thân chúc Tết, nhận lì xì. Đi chơi thì cùng nhau dã ngoại, nói chuyện, chơi những trò chơi dân gian.
Nay: Vẫn chúc Tết đầu năm đấy những địa điểm chơi thì đã rất nhiều rồi, không lo không có chỗ chơi như trước. Hoặc xa xỉ hơn thì cả nhà kéo nhau đi du lịch trong và ngoài nước.
Chúc Tết
Xưa: Cả gia đình chất chồng lên một chiếc xe, ì ạch “tay xách nách mang” qua nhà họ hàng thăm hỏi. Nhà nào gần còn qua chứ xa nhau cả mấy trăm km thì chỉ có nước gọi điện thoại bàn nói chuyện vài câu cho đỡ quên giọng.
Nay: Giờ thì có cách cả nửa vòng Trái Đất cũng không lo vì đã có video call, ngồi một chỗ vẫn có thể gặp và nói chuyện với bất cứ ai.
Tin tức ngày Tết
Xưa: Muốn đọc tin gì thì sáng sớm chạy ra đầu hẻm mà mua báo giấy mới về, ngồi cắn hạt dưa đọc báo Xuân mà lòng thảnh thơi.
Nay: Báo online rất nhiều, với vài cú chạm đã có thể tiếp cận hằng hà sa số tin tức từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng đọc thì chưa chắc đã đọc nhiều hay chỉ lướt lướt qua?
Nhìn vào bức tranh Tết Quy Nhơn toàn cảnh ấy, ai trong chúng ta mỗi người đều có một suy nghĩ, một cảm nhận riêng. Những người già thì tiếc nuối về một mùa Tết cổ truyền với những tập tục đậm chất Việt chỉ còn đọng lại trong kí ức. Người trẻ thì hân hoan, mong đợi kì nghỉ dài trong năm sau những tháng ngày làm việc. Và dù cho cảm xúc có thế nào, thì ai cũng mong đợi ngày Tết trong không khí nô nức, vui vẻ giữa vòng tay hạnh phúc của gia đình và bạn bè. Năm mới vẫn sẽ thật nhiều niềm vui và kỉ niệm đẹp trong lòng mỗi người.
Hồ Trần Anh Thư – Hiquynhon
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Hiquynhon.com (Không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Hiquynhon.com.