An Nhơn là đô thị vệ tinh của Thành phố Quy Nhơn. Du lịch An Nhơn từ lâu đã nổi tiếng với nhiều địa danh du lịch và di tích nổi tiếng như: Chùa Thiên Hưng, Núi Mò O, tháp Cánh Tiên, chùa Thập Tháp… Hãy cùng Hiquynhon khám phá ngay những địa điểm du lịch An Nhơn nổi tiếng này nhé!
Chùa Thiên Hưng – Phượng Hoàng Cổ Trấn Thu Nhỏ
Chùa Thiên Hưng được xem là một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất tại Bình Định. Không quá nguy nga hoành tráng hay cổ kính qua hàng nghìn năm, Thiên Hưng tự nổi tiếng vì đây là nơi lưu giữ Ngọc Xá Lợi của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Người đời tin rằng, nơi nào có Ngọc Xá Lợi là nơi đó như có sự hiện của chính Phật tổ để ban phúc độ trì cho chúng sinh.
Không chỉ có vậy, vị trụ trì của chùa – đại đức Thích Đồng Ngộ dù rất trẻ tuổi nhưng lại làm nhiều người kính nể bởi sự am tường phong thủy, tích cực trong các công việc hoằng pháp và từ thiện. Ngay cả các vị nguyên thủ Quốc gia cũng thường xuyên ghé thăm chùa mỗi lần có dịp về Bình Định.
Toàn bộ quần thể chùa Thiên Hưng được xây theo kiến trúc phương Đông có vườn cây cảnh rộng nên luôn mang đến cảm giác thanh bình cho du khách đến tản mạn. Khoảnh khắc đẹp nhất ở chùa là lúc bình minh và hoàng hôn.
Nếu như tia nắng sớm mai lấp ló buông sắc màu tươi mới khiến quang cảnh chùa Thiên Hưng bừng sáng lung linh thì ánh hoàng hôn đỏ lại vẽ lên bức tranh ma mị và tĩnh mịch để dần chìm vào đêm tối, chỉ còn lại tiếng chuông chùa và đọc kinh của các sư thầy.
Thành Cổ Hoàng Đế – Một Thành Hai Kinh Đô
Thành Đồ Bàn được xây dựng dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya vào cuối thế kỷ X, là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Đến năm 1775, thành được triều đại Tây Sơn xây dựng lại, trên nền của kinh đô Trà Bàn, là nơi đặt đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn trong giai đoạn đầu và sau đó là kinh đô của chính quyền trung ương Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc.
Thành Hoàng Đế không lớn nhưng có nét đẹp riêng và đặc biệt là mang đậm kiến trúc Chămpa với ba vòng thành: thành nội, thành ngoại và Tử Cấm Thành.
Với tuổi đời hàng trăm năm, thành cổ Hoàng Đế được ví như một quyển sách cổ bị bỏ quên, để rồi nếu vô tình chạm đến và mở ra, du khách sẽ bị chinh phục bởi nét đẹp của những trang dĩ vãng, những dòng lịch sử hết sức giá trị. Thành cổ Hoàng Đế đã được Bộ Văn Hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1982.
Chùa Thập Tháp – Ngôi Cổ Tự Đệ Nhất
Chùa Thập Tháp Di Đà có tuổi đời trên 300 năm, là địa điểm du khách không nên bỏ qua khi khám phá mảnh đất An Nhơn – Bình Định. Đây là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất miền Trung.
Chùa tọa lạc trên ngọn đồi mang tên Long Bích, ở phía Bắc thành Đồ Bàn của người Chăm xưa. Tên gọi “Thập Tháp” bắt nguồn từ việc trên khu đồi này từng có 10 ngôi tháp Chăm, sau bị sụp đổ và mất dần dấu tích.
Như nhiều ngôi chùa ở Đàng Trong xưa, chùa Thập Tháp thờ Tam thế Phật ở trung tâm, tả hữu thờ Tôn giả A Nan, Ca Diếp. Hai bên chánh điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Thập bát La hán, Thập điện Minh vương…
Cảnh quan kiến trúc của chùa thanh tịnh, bình yên. Chùa Thập Tháp đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia của Việt Nam.
Tháp Cánh Tiên – Đôi Cánh Tiên Tử
Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Ðồ Bàn, thuộc làng Nam An, trên địa bàn xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, cách thành phố Qui Nhơn 27km về hướng Tây Bắc.
Tháp xây trên một đỉnh đồi cao chừng vài chục thước, thờ bà Nữ Thần Y A Na. Tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời. Điểm đặc biệt của tháp Cánh Tiên là phần phía trong các cột ốp tường được ốp kín bằng các phiến đá sa thạch màu tím có chạm khắc hoa văn dây xoắn.
Ngôi tháp được tạo dáng, thanh thoát nhưng trang nghiêm, tháp có 4 tầng thu nhỏ dần về phía trên, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim đang bay, từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên bay lên nên được gọi là tháp Cánh Tiên.
Núi Mò O – Bốn Bề Bát Ngát
Nằm ở địa phận thôn Lý Tây và Nhơn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, sườn phía Bắc thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn (Phù Cát), núi Mò O lọt thỏm giữa bốn bề ruộng đồng bát ngát với mỗi hướng là một hình thù khác biệt. Với hình thù đặc biệt như vậy, Núi Mò O đang là điểm đến yêu thích bởi những du khách tò mò, yêu thích sự khám phá.
Không ai hiểu vì sao núi lại mang tên Mò O, vì trên núi và quanh vùng không hề có khóm mò o nào cả. Trái lại ở sườn phía Đông và phía Nam có một thứ chè gọi là chè tóc tiên, hương vị rất đượm. Và thứ đá dăm ở sườn phía Bắc là thứ đá hoa thạch anh, hình lục giác, bát giác… trông óng ánh nhiều màu.
Có dịp đến với Bình Định, về với An Nhơn, bạn hãy ghé thăm ngon núi Mò O đầy lí thú này. Hoà quyện hồn mình cùng với thiên nhiên, với những câu chuyện nơi đây, bạn sẽ thấy thư thái hơn, được tẩy trần, gột sạch những buổn bực, chỉ còn lại một tâm hồn trong veo và thanh thản lạ thường.
Chùa Nhạn Sơn – Tương Truyền Tượng Đá
Từ Bình Định đi xe lửa đến ga Vân Sơn, trông về hướng tây thì thấy một hòn núi đất sỏi, ba ngọn tròn trịa, màu gạch chín, dưới chân một đám xoài xanh rậm làm nổi bật sắc sỏi đỏ và màu đất xám ở chung quanh.
Đó là núi Long Cốt, trước kia làm tiền án cho thành Đồ Bàn, hiện nay làm bức bình phong yểm hộ chùa Nhạn Sơn nép mình dưới bóng xoài sum mát. Núi nằm trong thôn Nhạn Tháp, nên cũng thường gọi là núi Nhạn Tháp, và chùa nằm dưới chân núi nên mang tên là chùa Nhạn Sơn.
Có dịp đến Bình Định, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Nhạn Sơn, để được nghe truyền về hai tượng ông đá to lớn, vừa có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.
Du lịch An Nhơn chứa đựng những điều xưa cũ cổ kính, là nơi tâm linh thanh tịnh để đến với nơi đây bạn được thỏa lòng mình khỏi những muộn phiền đời thường, rũ bỏ những bực bội, cuộc đời này vẫn sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều.
Tổng Hợp: Hồ Trần Anh Thư – Hiquynhon
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Hiquynhon.vn (Không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Hiquynhon.vn.