Tết Trung Thu hay còn gọi là Tết Đoàn Viên là một lễ hội truyền thống, một nét văn hoá đẹp của các nước Đông Á trong đó có Việt Nam. Vậy Tết Trung Thu ở Quy Nhơn xưa và nay có gì khác biệt. Cùng Hiquynhon hoài niềm về ngày Tết Trung Thu xưa và nay nhé!
Là một con người sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Quy Nhơn đầy sương phủ nắng này, tôi cũng từng là một đứa trẻ háo hức khi nghe những tiếng trống báo hiệu lân về. Nhưng cuộc sống ngày càng được hiện đại hoá, con người cũng tất bật hơn với cơm áo gạo tiền thì dường như hình ảnh Lễ Hội Tết Trung Thu “đúng nghĩa” dần dần đã trở thành một điều gì đó trong hồi ức và đôi lúc muốn quay trở về cũng khó mà tìm thấy được.
1. Hoài niệm về ngày Tết Trung Thu
Đúng thật vậy, trong kí ức của tôi Tết Trung Thu là hình ảnh của những cô cậu bé nức nở khoe với nhau nhưng lồng đèn ông sao mà bố mẹ mới tặng, cùng rủ nhau đến đêm hội trăng rằm mà phường xã tổ chức để vui đùa cùng nhau và cùng ăn bánh phá cổ, cùng nhau xem múa lân và ngân nga những câu ca dao không biết đã có từ bao giờ.
Hay đơn giản chỉ là một ngày dù bạn có ở bất cứ đâu, đang bận làm việc gì cũng phải tranh thủ về quây quần cùng gia đình, ăn cơm trò chuyện, cùng phá cỗ trong đêm trăng rằm. Nhưng rồi hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi, suy nghĩ thay đổi và tất cả cũng thay đổi. Hình ảnh Tết Trung Thu ở Quy Nhơn ngày xưa và bây giờ cũng đã có đôi phần khác biệt.
Tết Trung Thu là cái tết duy nhất mà dành cho cả người lớn và trẻ em mà ai cũng mong đợi và háo hức. Trung Thu xưa khi mà cuộc sống còn quá nhiều điều thiếu thốn, hàng hoá không phong phú, cũng chẳng được thiết kế đầy lấp lánh đẹp mắt như bây giờ nhưng Rằm Tháng Tám vẫn luôn được mong đợi nhiều nhất và rực sáng theo cách riêng mà chúng ta không thể nào quên được.
Trung Thu ngày ấy đơn giản biết bao nhiêu nhưng lại đầy những tiếng cười ngô nghê vô tư của lũ trẻ, người lớn cũng vậy cũng chẳng cần những điều xa hoa thứ quý nhất cũng là một bữa cơm đầy đủ thành viên và no ấm bụng. Bây giờ khi mọi thứ được công nghệ hiện đại hoá, con người cũng vì thế mà dần cách xa nhau, ngại nói lời yêu thương, ngại chia sẽ hay đơn giản chỉ vì cuộc sống có quá nhiều áp lực nên mọi thứ cũng dần có khoảng cách với nhau hơn.
Đối với tôi mặc dù có nhiều thay đổi nhưng Trung Thu ngày ấy hay bây giờ cũng đều là một ngày lễ đáng được mong đợi và mỗi người sẽ có những cách đón Trung Thu khác nhau mà thôi. Nhưng những kỉ niệm ngày thơ ấu sẽ luôn là một kí ức đẹp và sẽ mãi không bao giờ phải nhoà.
2. Đôi điều về Tết Trung Thu
Không biết từ bao giờ, cũng không có một sử liệu nào ghi chép lại Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ lúc nào. Từ xưa người ta đã cho rằng Tết Trung Thu là một lễ hội trăng Rằm, là một nét văn hoá được du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ nhưng chưa có bất kì tài liệu hay sử sách nào đề cập đến.
Nhưng ngày Lễ Tết Trung Thu đã theo người Việt Nam chúng ta từ rất lâu rồi, và nó cũng được xem là một nét văn hoá đẹp đáng được lưu giữ muôn đời, nhưng theo thời gian, theo hoàn cảnh chúng ta sẽ có những cách đón Tết Trung Thu khác nhau, ở vùng miền khác nhau.
3. Trung Thu ở Quy Nhơn xưa và nay
3.1. Sự khác biệt về bánh trung thu
Quy Nhơn nói riêng hay bất kì nơi nào trên đất nước chúng ta, hình ảnh chiếc bánh trung thu truyền thống với hình dạng vuông tròn và màu vàng sậm của vị nướng đã đi sâu vào tiềm thức chúng ta không thể lẫn vào đâu được.
Theo truyền thống từ xưa đến nay, bánh trung thu là biểu tượng không thể thiếu của người Việt Nam vào dịp Tết Trung Thu, nó tượng trưng cho sự đoàn kết, ấm no, chan chứa tình yêu thương của mọi người dành cho nhau khi trao những chiếc bánh ngọt ngào.
Bánh trung thu ở Việt Nam gồm hai loại bánh, bánh nướng và bánh dẻo có dạng hình tròn hay hình vuông. Bánh dẻo là loại bánh màu trắng mềm mềm dai dai bên trong thường là nhân đậu xanh. Còn về bánh nướng là loại bánh được nướng vàng thơm phứt và bên trong thường sẽ là nhân thập cẩm có trứng muối hay nhân đậu xanh, nhân hạt sen.
Ngày xưa khi nhắc đến bánh trung thu thì hình ảnh một chiếc bánh với nhân thập cẩm nào là hạt hướng dương, hạnh nhân, thịt, đậu xanh,… và trứng muối hay một chiếc bánh dẻo trắng tinh khôi bên trong là nhân đậu xanh trông có hơi ngọt nhưng ăn lại lưu vị rất lâu thơm và một chút béo ngậy của đậu xanh là điểm nhấn của bánh.
Nhưng ngày nay những chiếc bánh truyền thông đã không còn được thực khách ưa chuộng nhiều như trước vì với sự tiên tiến của công nghệ kèm theo nhu cầu ăn uống cũng khắc khe hơn thì những chiếc bánh trung thu phá cách với nhiều hương vị độc đáo lạ mắt ra đời mà chắc chắn chúng ta cũng không thể nào nghĩ ra được, nhưng chúng lại là những sản phẩm thành công và được đại đa số người tiêu dùng ủng hộ thích thú.
Thay vì một chiếc bánh trung thu truyền thống ngày xưa hôm nay đã cải tiến lên với các hương vị như: nhân sầu riêng, nhân cà phê, nhân trà xanh, tinh than tre, sữa dừa, khoai môn hay thậm chí là trứng muối tan chảy cùng vỏ bên ngoài đầy màu sắc trông thật bắt mắt và hấp dẫn.
Ngoài hương vị thì hình dáng của bánh trung thu cũng là một thay đổi lớn quyết định sự đa dạng trong thị trường bánh trung thu ngày nay, thay vì hình tròn hoặc vuông ngày nay bánh trung thu còn có những hình ảnh thú vị như hình những chú lân, những con vật nghộ nghĩnh hay những chiếc bánh 3D hoa nổi đầy màu sắc thu hút ánh nhìn của thực khách. Và những tiệm bánh trung thu ở Quy Nhơn ra đời cũng rất nhiều để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng
Bạn có thể tham khảo những địa điểm bán bánh trung thu ngon ở Quy Nhơn có ship tận nhà tại đây nhé!
3.2. Lồng đèn Trung Thu
Ngày xưa khi mỗi dịp Tết Trung Thu về hình ảnh anh chị và bố mẹ cùng quây quần nắn nót từng cộng tre, hay từng miếng giấy bóng đầy màu sắc tỉ mỉ làm nên những chiếc đèn ông sao dành tặng cho những cô cậu bé thiếu nhi để cùng được vui hội trăng rằm cùng bố mẹ.
Hay đơn giản là một chiếc đèn nguyên liệu chỉ là một lon sữa đã hết được cắt và sau đó đó thắp sáng bằng một cây nến gắn bên trong cũng đủ tạo tiếng cười rôm rã cho lũ trẻ vào dịp Tết Trung Thu này rồi.
Ngày nay khi mọi thứ được hiện đại hoá, thói quen sở thích cũng sẽ từ đó mà thay đổi, vào dịp Tết Trung Thu trên khắp các con đường tại thành phố Quy Nhơn bạn sẽ bắt gặp được rất nhiều quầy bán những lồng đèn ngôi sao được làm sẵn và thiết kết tỉ mỉ hơn.
Và đặc biệt hơn là những lồng đèn chạy bằng Pin với đa dạng loại mẫu mã hình hài khác nhau lại còn được phát ra những bản nhạc vui nhộn đảm bảo thu hút ánh mắt sự tò mò của những đứa trẻ ngay từ phút giây đầu tiên chạm mắt.
3.3. Dụng cụ hoá trang
Ngày xưa cứ vào dịp Tết Trung Thu các bé thiếu nhi sẽ được bố mẹ mua tặng cho những mặt nạ hoá trang con con vật vui nhộn, hay hình hải của Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới tron truyền thuyết và chúng được làm bằng giấy tô vẽ đầy màu sắc và được dùng keo dán để định hình từng chi tiết. Hay những chú lân được làm thủ công từ đất sét đơn giản mộc mạc nhưng là cả một tâm huyết vì một mùa Tết Trung Thu trọn vẹn cho mọi nhà.
Ngày nay những hình ảnh này vẫn còn được lưu giữ nhưng đã được nâng cấp lên thành một phiên bản hoàn toàn khác, hiện đại hơn, đẹp mắt hơn. Nhưng mặt nạ đều đã được công nghệ trợ giúp hoàn thiện và lấp lánh hơn, sang trọng, chỉnh chu từng đường nét và thu hút hơn rất nhiều.
3.4. Đi chơi đêm Trung Thu
Theo truyền thống từ muôn đời nay, cứ vào dịp Tết Trung Thu mọi người sẽ cùng nhau tụ họp tại một địa điểm nổi bật trong làng, xã, phường nơi địa phương quy định để tổ chức đêm hội trăng rằm đầy sự náo nhiệt trong tiếng trống hân hoan từng bừng của những đội lân sư rồng biểu diễn các tiết mục khác nhau trong suốt đêm hội.
Các em thiếu nhi sẽ được cùng bạn bè tham gia nhiều trò chơi dân gian, xem những tiết mục văn nghệ chú Cuội và Chị Hằng, cùng nhau ngân nga những ca khúc đồng dao nổi tiếng muôi đời, cùng nhau phá cỗ ăn bánh kẹo cùng với mọi người trong không khi náo nhiệt nhưng đầy ấm cúng.
Ở Quy Nhơn, ngày nay tuy vẫn còn giữ được nét truyền thống này nhưng đa phần sẽ chia ra thành nhiều thành phần vui chơi trung thu khác nhau tuỳ theo nhu cầu sở thích và hoàn cảnh của mỗi người.
Các em bé ngày nay cũng sẽ được tổ chức vui chơi hội trăng rằm nhưng ở các trung tâm văn hoá lớn của tỉnh, một số địa phương xa thành phố thì đêm hội trăng rằm vẫn được tổ chức tại Xã Phường. Nhưng hầu như theo thị chúng số đông các em bé vẫn thích được bố mẹ chở đi dạo phố, đi theo tiếng trống của những chú lân đang biểu diễn tại các nhà dân theo yêu cầu trên khắp các con đường.
Hình ảnh kẹt xe, người người chen chút dành vị trí đẹp nhất để xem trọn vẹn buổi biểu diễn của đoàn lẫn, tiếng còi ỉnh ỏi xen lẫn giữa tiếng trống vang dội hò reo của mọi người chính là đặc sản của một mùa Trung Thu
Nhưng vì trôi theo dòng chảy của thời gian, ngày nay các đội lân sư rồng Quy Nhơn hay những nhóm múa lân của những bạn thiếu nhi, nhưng cậu bé cấp 2 cấp 3 cũng không còn thấy xuất hiện nhiều nữa. Một phần vì áp lực công việc, học tập mỗi người có cuộc sống riêng nên dường như không còn nhiều thời gian để theo đuổi nét đẹp truyền thống này. Chính vì vậy mà hình ảnh những đội lân đi khắp thành phố đã không còn thấy nhiều như trước nữa và đang có xu hướng mai một dần.
4. TẾT TRUNG THU CỦA QUY NHƠN 2021
Quy Nhơn năm 2021 là một năm với quá nhiều khó khăn, một năm đượm buồn của Quy Nhơn nói riêng và toàn cầu nói chúng, chúng ta đang phải chạy đua với “đại dịch” từng ngày từng ngày.
Hằng ngày khi chứng kiến cảnh những con số người nhiễm bệnh SARS COV-2 nhảy vọt theo thời gian thì bất chợt chúng ta không còn thời gian để suy nghĩ về một cái Tết Trung Thu náo nhiệt, hay một Tết Trung Thu được du lịch đây đó cùng bạn bè gia đình.
Nhưng trong một khoảng khắc tôi chợt nhận ra tôi thèm được nghe tiếng còi xe và cả tiếng trống náo nhiệt của những đoàn lân sư rồng thu hút cả trăm người chen chút nhau. Thèm được nhìn thấy hình ảnh kẹt xe cả tiếng đồng hồ từ đường Trần Hưng Đạo sang Lí Thường Kiệt, hay một đoạn đường Nguyễn Thái Học và Ngô Mây, thèm được nghe câu nói của bạn tôi:” Ê đi chơi chưa, nếu chưa thì đi xem lân không?”.
Tất cả dường như chỉ còn là những chuyện của ngày nay năm xưa vì bây giờ “Đại dịch” đang làm cuộc sống của chúng ta thay đổi, người người thất nghiệp, cơm áo gạo tiền bây giờ cũng chẳng thể quý bằng một hơi thở. Một năm thật khó khăn, một năm với quá nhiều mất mát, một năm chứng kiến quá nhiều việc đau lòng xảy ra.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng sẽ qua thôi, mọi người nhớ giữ gìn sức khoẻ, rồi chúng ta sẽ lại có những ngày tháng bình bình yên yên, rồi cuộc sống cũng sẽ trở về với quỹ đạo của nó, tôi hy vọng là như vậy, hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp, Quy Nhơn mau khoẻ, mọi người mau khoẻ và hy họng bằng một cách nào đó chúng ta rồi cũng sẽ có một mùa Trung Thu thật ấm áp cùng nhau.
Và bây giờ bạn cũng có thể tự đón Trung Thu ở nhà theo cách riêng của mình và lưu lại những khoảnh khắc đáng ghi nhớ này nhé!
Tết Trung Thu xưa và nay ở Quy Nhơn tuy có nhiều sự khác biệt và đã có nhiều bước chuyển mình hơn theo thời gian, nhưng nhìn chung Tết Trung Thu chính là dịp để chúng ta có thể trở về bên gia đình cùng nhau ăn bữa cơm thân mật, chia sẽ nhau những chiếc bánh trung thu ngọt ngào thay cho những lời yêu thương mà không thể nói ra hết được. Dù có như thế nào đi nữa, dù phải đón Tết Trung Thu ở bất kì hoàn cảnh nào, mình cũng hy vọng bạn sẽ đón Tết trung thu thật trọn vẹn bên gia đình và những người thân yêu nhé!
Bài viết: Tuyết Ngân
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về ẩm thực Quy Nhơn hoặc những điều thú vị khi du lịch tại miền đất võ hãy follow HiQuyNhon để được biết thêm nhiều thông tin bổ ích nhé! Hoặc follow trang Thành phố Quy Nhơn để được cập nhật tin tức mỗi ngày nhé
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Hiquynhon.com (Không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Hiquynhon.com