Top List

Ghé thăm 12 làng nghề truyền thống Bình Định

Chỉ cần bỏ ra một ngày, bạn hoàn toàn có thể khám phá Quy Nhơn theo một cách khác, qua rất nhiều làng nghề lưu giữ những giá trị dân gian truyền thống. Bạn hãy thăm quan 12 làng nghề truyền thốngQuy Nhơn cùng Hiquynhon nhé!

1. LÀNG NGHỀ RƯỢU BÀU ĐÁ – NỒNG NÀN, VANG XA

Một đặc sản từng được nhà thơ Nguyễn Duy phong là “Đệ nhất tửu” khi chính ông đặt chân vào tận nơi để thưởng thức, không đâu xa lạ chính là rượu Bàu Đá – bắt nguồn từ xóm có tên gọi Tân Long thuộc thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Làng nghề rượu Bàu Đá
Làng Nghề Rượu Bàu Đá

Để rượu có được hương vị ngon nhất có thể, làng nghề truyền thống rượu bầu đá lấy nước từ các dòng nước ngọt ngào của ngọn nguồn sông Kôn, qua quá trình ủ lạnh, lọc từ trong những hộc đá ngầm ở Vực Bà, sông Kxôm,… Tất cả tạo nên một thứ rượu đậm đà, làm ngây ngất lòng người.

2. LÀNG NGHỀ NÓN LÁ GÒ GĂNG  – DUYÊN DÁNG TỪNG ĐƯỜNG KIM MŨI CHỈ

Anh về Bình Định ba ngày

Gởi mua chiếc nón, lá dày không mua.

Chiếc nón Gò Găng bây giờ chính là sự kết hợp hài hòa giữa nón ngựa Tây Sơn ngày xưa và nón bài thơ xứ Huế. Không quá công phu như nón ngựa cũng không hay thêu chữ nổi hoặc bài thơ trên nón bởi nón lá dùng cho hầu hết những người dân, đi đồng áng hay đi chợ, trong mọi thời tiết, nó như người bạn dùng che mưa, che nắng, quạt mát những đêm hè oi bức.

Làng nghề nón lá Gò Găng
Làng Nghề Nón Lá Gò Găng

Hình ảnh những người con gái lặng lẽ ngồi đan nón lá ở làng nghề truyền thống từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn luôn ánh lên nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất giản dị của một vùng Gò Găng nói riêng cũng như làng quê Việt Nam nói chung.

3. LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TIỆN GỖ MỸ NGHỆ THÁP NHẠN

Xuôi ngược Bắc – Nam trên quốc lộ 1A, từ phường Đập Đá (An Nhơn) rẽ về hướng Tây chừng một cây số, là đặt chân đến xã Nhơn Hậu. Ở đây ngoài nổi tiếng với nghề làm gốm, rèn, đặc biệt có làng nghề tiện Nhạn Tháp với những sản phẩm đồ gỗ nổi danh từ xa xưa.

Làng nghề tiện gỗ Tháp Nhạn
Nghề này xuất phát từ những hộ gia đình nhỏ chuyên tiện chân bàn ghế, đèn thờ, tủ… rồi theo thời gian dần hình thành nên làng nghề truyền thống tiện gỗ mỹ nghệ. Rồi đến những năm sau bao cấp, những người thợ tiện trẻ ở đây đã mang sản phẩm nơi địa phương  đến với khách hàng ưa chuộng, yêu thích và dần được nhiều trung tâm du lịch nhận bày bán, làm đồ lưu niệm.
Đến nay, Nhạn Tháp là địa phương có 11 cơ sở chuyên khảm xà cừ và hơn 100 cơ sở tiện gỗ.

4. LÀNG RÈN TÂY PHƯƠNG DANH – ĐẬM ĐÀ DẤU ẤN SỬ THI

Phương Danh là một trong bốn làng nghề truyền thống hình thành thị tứ Đập Đá, (nay là phường) thị xã An Nhơn, với những dấu ấn đậm nét của các xóm chuyên sinh sống, chú tâm bằng một nghề duy nhất. Đó là xóm rèn, xóm đúc, xóm dệt, xóm tiện, lò gốm… chính vì vậy mà sản phẩm làm ra cũng mang tính chuyên môn cao.

Làng rèn Tây Phương Danh
Làng Rèn Tây Phương Danh

Trong những năm tháng hành binh, chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn, làng rèn Phương Danh được khai hoang, trở thành nơi sản xuất và cung cấp vũ khí cho phong trào nông dân Tây Sơn. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng rèn Phương Danh cũng là một trong những nơi cung cấp vũ khí cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

5. LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG NÓN NGỰA PHÚ GIA – TỈ MỈ TRÊN TỪNG MI-LI

Làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát với hơn 400 hộ tham gia sản xuất. Nghề làm nón ở Phú Gia đã có từ rất lâu và được lưu giữ cho đến tận bây giờ.

Làng nghề nón ngựa Phú Gia
Làng Nghề Nón Ngựa Phú Gia

Nón lá Phú Gia nổi tiếng bởi vẻ ngoài đẹp, tinh xảo mà cực kì bền, rẻ. Nón được kết bằng những vành tre cật, chuốt nhỏ như tăm, đan thành ba lớp mể sườn. Trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, qui, phụng. Chằm một chiếc nón ngựa mất cả tháng trời, vì vậy giá thành rất đắt. Dần dà, nón ngựa được cải biên thành ngựa đơn, rồi nón buôn, nón chũm rẻ hơn nhiều.
Bây giờ loại nón này chủ yếu bán cho những người muốn tìm lại nét xưa, phục vụ khách du lịch…

6. LÀNG NGHỀ ĐÚC ĐỒNG BẰNG CHÂU – LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÂU NĂM

Làng nghề đúc đồng Bằng Châu (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) đã hình thành được hơn 200 năm. Qua bàn tay tài khéo của các nghệ nhân nhiều sản phẩm đúc có giá trị ra đời.

Làng nghề đúc đồng Bằng Châu
Làng Nghề Đúc Đồng Bằng Châu

Để làm sản phẩm, phải qua rất nhiều công đoạn như làm khuôn, giáp cốt rồi đem nung cho khô; sau đó, gọt cho láng cốt rồi rót đồng vào, đục cốt và cuối cùng là làm nguội. Trong các công đoạn, khâu làm khuôn là quan trọng nhất, đòi hỏi người nghệ nhân các làng nghề truyền thống phải dày dặn kinh nghiệm.
Đất sét mua ở Tây Sơn đem trộn với đất suối sậy ở Phù Cát, sau đó trộn với trấu, bột than, bông gòn… giã nhỏ, rây kỹ, sau đó đem ủ. Sau một ngày đêm, nguyên liệu được đem ra đánh tơi, kiểm tra lại độ mịn rồi dùng để đúc khuôn. Có vậy, khuôn mới chắc và đảm bảo độ tinh xảo cho sản phẩm.

7. LÀNG BÁNH TRÁNG TRƯỜNG CỬU – “QUÂY” ĐỀU NIỀM YÊU THƯƠNG

Đến xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), đâu đâu cũng nhìn thấy những vỉ bánh tráng phơi dọc hàng rào hai bên đường. Trong số sáu thôn của xã, Trường Cửu là nơi sản xuất bánh tráng nhiều nhất nên được mệnh danh là làng bánh tráng Trường Cửu (thuộc thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc , thị xã An Nhơn, cách TP. Quy Nhơn khoảng 30km về hướng Tây Bắc).

làng nghề truyền thống
Những Người Phụ Nữ Chăm Chút Tạo Ra Những Chiếc Bánh Tráng Bắt Mắt Nhất. Nguồn: @Pumkei_

Bánh tráng ở đây không trắng, mỏng như loại thường thấy ở các chợ, mà dày và đen hay vàng còn tùy vào loại mè mà người tráng sử dụng. Từ xưa đến nay người dân ở làng nghề truyền thống làm bằng loại gạo dẻo thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để tráng được chiếc bánh ngon, khâu quan trọng nhất là phải chọn loại gạo tốt. Khi chế biến bột tráng người ta gia thêm bột mì vào bột và rắc nhiều mè lên bánh. Khi đổ bột lên khuôn, phải lắc thật đều tay để bánh tròn, đẹp, không chỗ dày chỗ mỏng. Tuy vất vả nhưng nghề bánh tráng từ lâu đã được xem là nghề ổn định và quen thuộc của mỗi người dân Trường Cửu.

8. LÀNG NGHỀ DỆT CHIẾU CÓI – NÉT TINH HOA TỪ CÓI TRẮNG

Có dịp ghé thăm làng nghề truyền thống dệt chiếu cói Phú Tân (thôn Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), du khách sẽ cảm nhận được sự nhộn nhịp, vui tươi từ các âm thanh vang vọng của những khung, máy dệt.

Làng nghề dệt chiếu cói Bình Định
Làng Nghề Dệt Chiếu Cói Bình Định

Chiếu cói có hai loại là chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu trơn làm tương đối đơn giản bởi chiếu được dệt từ cói trắng không nhuộm màu. Còn dệt chiếu hoa công phu hơn nhiều. Chiếu hoa ở Bình Định không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng miền khác mà phải chọn sợi cói về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo yêu cầu, sở thích của khách hàng.
Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng. Phẩm nấu lên và nhúng sợi cói vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Những sợi cói màu sau khi phơi khô, đem dệt thành chiếu hoa. Thông thường trên một chiếu hoa, ở giữa có chữ thọ, chữ song hỷ, hoặc chữ trăm năm hạnh phúc,… Còn ở bốn góc thì là tứ linh hoặc bốn hoa văn lớn, bốn góc xung quanh có hoa văn trang trí nhiều kiểu, nẹp ngoài hai đường kẻ hoặc đỏ hoặc xanh, trông rất đẹp mắt, hài hòa.

9. CHẾ BIẾN THẢM XƠ DỪA TAM QUAN – THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan
Công đâu công uổng công hoang
Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa
Bất kì một bộ phận nào của dừa cũng đem lại nhiều lợi ích, chính vì thế mà ngành nghề chế biến các sản phẩm từ dừa Tam Quan ở Hoài Nhơn cũng được hình thành, nổi bật chất là sản phẩm thảm xơ dừa.

làng nghề chế biến thảm xơ dừa tam quan
Làng Nghề Chế Biến Thảm Xơ Dừa Tam Quan

Các sản phẩm xơ dừa của Tam Quan với nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường, có độ bền cao đã có mặt trên khắp cả nước và xuất khẩu sang một số nước lân cận. Hiện nay, Ngoài thảm xơ dừa, làng nghề truyền thống còn sản xuất một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa như: cá heo, ba ba, hộp đựng trà từ miễn dừa, giá để bình rượu từ thân dừa, giỏ xách tay, lẵng hoa từ cọng lá dừa…

10. LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GỐM VÂN SƠN

Làng gốm Vân Sơn nằm về phía đông dưới chân núi Long Cốt thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn cách Quy Nhơn tầm 30km về hướng Tây Bắc. Nghề làm gốm ở đây xuất phát từ làng gốm Nhạn Tháp kề bên, hình thành và phát triển cách đây khoảng 300 năm.

Làng nghề truyền thống gốm Vân Sơn
Làng Nghề Truyền Thống Gốm Vân Sơn

Hiện nay ở Vân Sơn các gia đình làng nghề truyền thống gốm tập trung ở xóm Trong và xóm Mới. Đất làm gốm là đất sét trắng ngà không lẫn sạn có đủ loại: chum, vò, am, chậu, thạp, bộng giếng,… to nhỏ khác nhau. Lại có cả đồ chơi trẻ em bé xíu như: heo đất, bếp lò, ấm cho các bé chơi đồ hàng. Nhưng làm nhiều, bán chạy hơn cả là các loại chậu hoa cảnh và bếp lò than.

11. LÀNG DỆT THỔ CẨM HÀ RI – CÂU CHUYỆN QUANH KHUNG CỬI

Hà Ri nằm cách Quy Nhơn khoảng 80 km, đây là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc BaNa sinh sống nhất khu vực Bình Định. Cũng chính vì vậy mà nơi đây vẫn còn lưu giữ được những làng nghề truyền thống đặc trưng của đồng bào vùng dân tộc, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm.

Làng dệt thổ cẩm Hà Ri
Làng Dệt Thổ Cẩm Hà Ri

Trong các ngày lễ hội, những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất được dệt từ thổ cẩm được các cô gái, chàng trai khoác lên mình một cách trân trọng và đầy sức quyến rũ. Ngày nay không chỉ dệt ra những tấm vải đẹp mà người Hà Ri còn làm nên những phụ kiện bắt mắt từ nguyên liệu này như túi xách, khăn choàng,…
Mỗi làng nghề dù đặc trưng ở sản phẩm truyền thống nào đi chăng nữa thì mỗi một cá nhân hay địa phương cũng đều hết mình với công việc. Bình Định cũng là một trong số những mảnh đất hiền hòa, giàu đẹp, là nơi lưu giữ các làng nghề truyền thống từ bao đời nay, trở thành kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, sinh động mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.

Tổng hợp: Tâm Tròn

Edit: Gà Bông

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Hiquynhon.vn (Không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Hiquynhon.vn.

Back to top button