Bình định trước kia là kinh đô của vương quốc Champa nên hệ thống tháp Chăm Bình Định vô cùng đa dạng và phong phú. Cùng HiQuyNhon điểm qua 7 tháp dưới đây nhé!
1. Tháp Đôi – Tháp Chăm Bình Định
Tháp Đôi là một trong những tháp chăm Bình Định được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, tọa lạc tại phường Đống Đa,Quy Nhơn, là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo gồm 2 tháp: tháp chính, tháp phụ lần lượt cao khoảng 20m và 18m. Tháp Đôi được xếp vào loại đẹp độc nhất vô nhị của nghệ thuật kiến trúc Champa. Không chỉ vậy Tháp Đôi là biểu tượng của lòng chung thủy: “Tháp kia còn đứng đủ đôi/ Cầu còn đủ cặp huống chi tôi với nường”.
2. Tháp Bánh Ít
Tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, trên đỉnh một quả đồi nằm giữa 2 nhánh sông Côn là Tân An và cầu Bà Gi, cách Quy Nhơn khoảng 20km. Đây là một quần thể 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên dân gian gọi là tháp Bánh Ít.
Mỗi tháp ở đây đều có kiến trúc riêng biệt, sắc thái khác nhau. Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chăm còn lại trên đất nước Việt Nam, tháp Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp này được Bộ Văn hóa – thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1982. Cụm tháp Bánh Ít còn được đưa vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh.
3. Tháp Thủ Thiện – Tháp Chăm Bình Định
Đối diện bên kia sông Côn là tháp Thủ Thiện thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn nhỏ nhắn nhưng thanh thoát, trang nhã nhưng kỳ bí. Ca dao Bình Định có câu: “Vững vàng tháp cổ ai xây/ Bên kia Thủ Thiện, bên này Dương Long”.
4. Tháp Dương long
Tọa lạc tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XII – là thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn hóa Champa. Cụm tháp này gồm 3 tháp: Tháp giữa, tháp Nam, tháp Bắc lần lượt cao 42m, 36m và 34m. Phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu.
>>Xem thêm: Tháp Dương Long – Công trình cổ tháp ngàn đời của Champa
5. Tháp Bình Lâm
Tháp Bình Lâm là một trong những tháp chăm Bình Định cổ tại Thôn Bình Lâm, Xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Là một ngôi tháp tương đối đặc biệt ở Bình Định, vì khác với các tháp khác nằm trên đồi thì tháp Bình Lâm nằm ngay trên đồng bằng và như hòa mình vào thiên nhiên và khu dân cư bao quanh. Tháp có bình đồ vuông, mỗi cạnh khoảng 10m, cao khoảng 20m chia làm 3 tầng, trang trí hoa văn tinh tế, kiến trúc hài hòa với những đường nét vừa tinh tú, vừa khỏe khoắn. Vào năm 1993 tháp được xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật.
6. Tháp Phú Lốc
Tháp Phú Lốc còn có tên gọi là tháp Phốc Lốc, hay tháp Vàng, là một ngôi tháp chăm Bình Định thuộc xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn. Tháp được xây dựng trên đỉnh đồi cao khoảng 76m, vì thế tháp Phú Lốc nổi bật lên giữa vùng đồng bằng tỉnh Bình Định như một ngọn hải đăng. Năm 1995 Tháp xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật.
7. Tháp Cánh Tiên
Được xây dựng bên trong quần thể di tích thành Đồ Bàn trên địa bàn xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn vào thế kỉ XII. Điểm đặc biệt của tháp Cánh Tiên là các phiến đá sa thạch được ốp kín các cột tường với những chạm khắc hoa văn dây xoắn.
Ngôi tháp được tạo dáng thanh thoát nhưng trang nghiêm, tháp có 4 tầng thu nhỏ về phía trên, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim đang bay, từ vai tháp trở lên, 4 phía đều giống như cánh tiên bay lên nên được gọi là Tháp Cánh Tiên.
Tháp được xây dựng vào thời vua Chế Mân nên có truyền thuyết cho rằng: đây là ngôi tháp vua Chế Mân dành tặng cho hoàng hậu Paramecvari tức Huyền Trân Công Chúa. Năm 1982 tháp được xếp hạng di tích kiến trúc Nghệ thuật.
Trên đây là tổng hợp về Tháp Chăm Bình Định của mình. Nếu bạn thấy bài viết bổ ích thì hãy nhấn chuông HiQuyNhon để nhận thông báo mới nhất nhé! Hoặc bạn có thể follow ngay trang Thành phố Quy Nhơn để được cập nhật tin tức về thành phố biển nhé!
– Bài viết: Nhật Tiến-
Bạn có thể xem qua các di tích khác ở Bình Định:
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Hiquynhon (Không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Hiquynhon